Các cựu tù chính trị trao đổi về cuốn sách "Tù chính trị Câu lưu Côn Đảo - từ thực tế nhìn lại".
|
Thời cơ hiếm có đến: Bọn thống trị nhà tù chủ trương làm con đường từ trung tâm đảo, qua Bến Đầm vòng lên Cỏ Ống. Chúng điều 100 anh em tù chúng tôi tới Vũng Đầm, dựng lán trại bằng tranh nứa lá, ăn ở tại chỗ để lao động. Còn 100 anh em khác chúng dùng ô tô chuyển từ trung tâm lên đầu mom Cá Mập, sáng đi tối về. Bọn chúng đâu có ngờ, chúng đã tạo cơ hội cho cái đầu của người cộng sản tổ chức kế hoạch vượt ngục.
Ngoài công tác tư tưởng chính trị nội bộ, gây cảm tình với người lính Âu - Phi, luyện tập kỹ thuật chiến thuật võ trang để tiến tới kế hoạch lớn là giải phóng toàn đảo; việc đào hầm, đóng thuyền là công việc quyết định.
200 người chúng tôi ở cách trung tâm đảo khoảng 14 km- cách Bến Đầm hiện nay khoảng 7 km, trong nhà bằng tranh tre, song mây chiều dài 25 m, chiều rộng 6 m. Chúng tôi đào hai chiếc hầm chiều dài 12m, chiều rộng mỗi hầm 2 m, đủ để giấu 5 chiếc thuyền. Mỗi kíp 3 người làm khoảng 15 - 20 phút, rồi đổi nhau, trong sự im lặng tuyệt đối. Dụng cụ đào là miếng sắt đai thùng dài khoảng 20 phân, nạo từng tấc đất cho vào vạt áo, rồi hì hục đưa lên mặt sàn nhà.
4 tháng trôi qua, hàng tấn đất cát được đào ra, đưa lên sàn nhà. Làm cách nào để cai ngục nhìn vào không nghi ngờ? Anh em đào đến đâu lấy gỗ ken khít đến đó, một lớp cỏ, lại rải đất cát và phủ lớp cát khô.
Ngày 15-5-1975, gần 2.000 cán bộ chiến sỹ cách mạng bị Mỹ nguỵ bắt giam ở Côn Đảo được trở về đất liền.
|
Đã nhiều lần tưởng như thất bại, bởi gặp những hòn đá to nhỏ, có hòn bằng cả cái bàn, chắn ngang. Thất bại phải chăng là đây? Trong đêm, anh em khoét sâu dưới lòng đất, nạo doãng chân đá. Thành công, bao mệt mỏi như tiêu tan.
Cứ sáng sáng 5-6 người được một lính Âu - Phi đưa vào rừng lấy gỗ cho chúng. Gỗ để giao cho nhà bếp chúng là loại ba lăng cong queo, còn các đồng chí chọn gỗ để làm cong giang, vách đố thuyền. Dùng song giang để đan 2 cái mê có kích thước bằng cả con thuyền theo tính toán, nói với bọn lính canh là để làm sạp nằm.
Hầm đào xong, cần đưa 2 mê thuyền xuống hầm. Đêm ấy anh em phân công rõ từng nhóm: bộ phận rút chân giường, bộ phận dùng dây mây gò tấm mê theo kiểu lòng máng và từ từ hạ xuống hầm. Thuyền hạ xuống hầm xong lại ken gỗ kín mặt hầm, rải cỏ, rải đất cát sỏi ngụy trang.
Ngày 12-12-1952. 11 giờ, đồng chí Phan Du - người chỉ huy trận đánh, tay cầm chiếc khăn trắng đội đầu vung lên hô: “Xung phong… xung phong… xung phong…”. 9 cụm, mỗi cụm 3 người khống chế một tên lính Âu - Phi, đồng loạt áp sát, kẻ giơ cuốc chim, người giơ mũi xẻng, có anh tụt xuống ôm chặt lấy chân địch bằng động tác nhanh chóng, dứt khoát. Cuộc bạo động diễn ra ngắn gọn, không có tiếng súng, không có sự vật lộn, không trầy ra rách thịt. Cụm thứ hai là nơi đồn trú, nơi ăn ngủ của chúng. Tiếng hô xung phong vang lên, số người được phân công nhảy vào đoạt vũ khí. Tôi và anh Ba Đen mỗi người một quả lựu đạn. Bọn giặc đứng như trời trồng. Ở đầu mom Cá Mập, 100 anh em có 7 tên lính, đồng chí Đặng bị bắn vào đầu gối, còn phía địch thì 2 tên bị chết, 2 tên rơi xuống vực, 1 tên chạy mất.
Kết thúc trận bạo động, ta phá nhà bật hầm đưa những chiếc thuyền đã lắp ráp lên mặt đất. Bọn lính Âu - Phi trố mắt há miệng nhìn thấy chiếc thuyền nguyên vẹn. Cả 6-7 tháng, hai đầu hồi có lính gác, vậy mà tù nhân làm được những chuyện ngoài sức tưởng tượng.
Khoảng 4-5 giờ chiều hôm đó, 5 chiếc thuyền hạ thủy an toàn.
Nhưng thảm họa khôn lường - tai họa ập đến!
2 chiếc thuyền đưa lên từ hầm (trong đó 1 chiếc chở đồng chí Hiến - Bí thư Đảo ủy), do chở nặng, sóng lớn vỗ mạnh, thuyền không chịu nổi, đã chìm. Thuyền số 3 đắm hay lạc vào chỗ nào, chúng tôi không có tin tức.
Thuyền số 4 và số 5 là hai thuyền chiến đấu, được làm bằng vải lót lấy từ áo quần, tăng bạt, áo mưa của lính bọc thuyền vừa nhẹ vừa cản được phần nào nước ngấm. Lênh đênh trên biển một đêm một ngày, anh em ai cũng tràn đầy niềm tin thuyền sẽ cập đất liền. Nhưng rồi cùng chung số phận, hình của thuyền không còn nguyên vẹn. Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn Tô - tổ phó tổ quyết tử, đúng thời điểm hạ thuyền, gió dừng, rồi đêm thì đột ngột đổi chiều. Con thuyền đi khó khăn trong đêm, rồi ngấm nước, các nút nối mái chèo bằng mây nở rão, oặt oẹo. Cong, giang, vách, đố ẽo ọt biến dạng rời từng phần, chỉ còn nhờ vào hai bó nứa để nổi. Các tay chèo đều thúc thủ. Một số người xung phong hy sinh, nhường cơ hội cho đồng đội.
Sáng 13-12, mặt trời vừa ló, một máy bay Moren vè vè trên đỉnh đầu. Khoảng 15-20 phút, một máy bay khác lượn một vòng, lượn đến đâu từ trong bụng máy bay lửa bốc đỏ rải xuống mặt biển. 4 chiếc phi cơ chiến đấu chao đảo uy hiếp.
Anh em hội ý chớp nhoáng, xác định lại ý chí chiến đấu khi bị địch đưa về đảo. Địch thả thang dây từ đầu tầu chiến loại tiềm thủy đình, bắt anh em ta trèo lên, rồi dồn xuống cạnh hố neo của tàu. Mỗi khi tàu chúi xuống, nước lạnh buốt tràn vào, anh em tím tái toàn thân vì rét.
Một trận đòn thù khủng khiếp. Hai bên cầu tàu, cỡ 30-40 tên đao phủ mạt mũi bừng bừng sát khí, tay lăm lăm gậy. Anh em tù né những ngọn roi, lết về phòng giam. Mỗi tù nhân bị đeo chiếc còng chữ U và cây sắt dài xuyên suốt một bên. Chúng tôi ai cũng khát nước và đói ăn, sức khỏe kiệt quệ. Ông Đặng Đức Hòa (Cơ còi) có bàn chân bé, nghiến răng ráng rút chân khỏi còng, tập tễnh ra lấy đống giẻ lau đến trước vũng nước ở giữa nhà, nước đã xanh lè vì rêu. Nhúng đống giẻ, vào vũng nước, ngậm ngùi tặc lưỡi “bẩn còn hơn chết khát”, ông đi đến từng người vắt những giọt nước quái gở vào miệng. Một lúc sau, nhiều người đã tỉnh, và tỉnh thật, tỉnh hẳn!
Chúng tôi không mảnh vải che thân, lạnh buốt, thức gần như trắng đêm.
Ba ngày như thế. Sang ngày thứ tư, một bác sĩ quân y từ Sài Gòn ra đảo, đi thẳng tới nơi chúng tôi bị cùm, mặt đỏ bừng, giận dữ, quát tháo ầm ĩ và bát mở còng, phát mỗi người một bộ áo quần, chiếu để trải lên bục lạnh ngắt. Ông bắt nhà tù nấu cháo loãng cho ăn, sau 2 ngày cho ăn trở lại cơm.
Về phía ta, lúc này đã có tin của các đồng chí Đảo ủy nhắn vào động viên, mong mọi người giữ vững tinh thần, Đảng và Chính phủ, Mặt trận giải phóng đã nắm được những hoạt động của anh em.
200 con người trong trận chiến đã mất đi 81 đồng chí, đến nay cũng chỉ còn vài người. Hàng năm, vào ngày này, cụ Phan Du - người anh của chúng tôi - đều tổ chức ngày giỗ. Anh em chúng tôi đều đến dự để tưởng nhớ những người đã khuất và ôn lại kỷ niệm…