Ngày 24-3-1882, bác sĩ Robert Koch (người Đức) đã phát hiện vi khuẩn lao. Lúc này, bệnh lao đang bùng phát thành dịch ở các nước châu Âu là Bắc Mỹ, theo đó cứ 7 trường hợp mắc bệnh thì có 1 người chết. Từ năm 1882 đến nay, thế giới đã có trên 200 triệu người chết vì bệnh lao. Trong năm 2012, thế giới (chủ yếu các nước thứ 3) đã có 8,6 triệu trường hợp mắc bệnh lao, làm chết khoảng 1,3 triệu người. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh lao, năm 1982 nhân kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện vi khuẩn lao, Liên minh quốc tế chống lao và bệnh phổi đề xuất lấy ngày 24-3 hằng năm làm Ngày thế giới phòng chống lao. Đến năm 1996, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục đề xuất về Ngày thế giới phòng, chống lao và đã được Liên hiệp quốc công nhận. Ngày thế giới phòng, chống lao không chỉ nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, mà còn là dịp để huy động chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng chống lao trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, năm 1995, Bộ Y tế đã đưa chương trình chống lao thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia và đã xây dựng mạng lưới chống lao trong toàn quốc lồng ghép tốt trong mạng lưới y tế cơ sở. Những vấn đề đã nêu được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá cao kết quả điều trị bệnh lao ở nước ta. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên bệnh lao ở nước ta chưa được khống chế hoàn toàn. Tại hội nghị giao ban Chương trình chống lao quốc gia được Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 12-2017, ghi nhận trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm được 3.000 người chết vì lao. Riêng trong năm 2016, cả nước có 126.000 người mắc bệnh lao và đã có 13.000 trường hợp tử vong.
Những năm qua, tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng công tác phòng chống, ngăn chặn và kiểm soát bệnh lao ở Bình Phước đã đạt nhiều kết quả đáng mừng. Ngoài các hoạt động chuyên môn, ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền như phát tờ rơi, sách bỏ túi... để người dân phát hiện, nhận biết về các dấu hiệu, đường lây nhiễm của lao và thực hiện các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả và tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương 6 khóa XII thì Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao nhận thức và xóa bỏ tâm lý “giấu bệnh” của người dân, cộng đồng dân cư trong phòng, chống lao. Vì vậy, ngành y tế cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm mầm bệnh, khuyến khích người dân tại các vùng nghi lây nhiễm phải thăm khám định kỳ để có phương án điều trị hợp lý.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065