* Tạm dừng trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng.
* Chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng bằng vốn ngân sách
Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
* Tập trung vào sáu nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao do giá cả thị trường thế giới tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Với Nghị quyết 11 được xem là những quyết sách của Chính phủ về những giải pháp để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Chính phủ đặt kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ cấp bách
Những tháng đầu năm 2011, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng cao. Trong nước, hậu quả do thiên tai, thời tiết từ năm 2010 để lại đã có những tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Thêm vào đó, giá cả một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu tăng cao kéo theo giá cả của nhiều mặt hàng khác đồng loạt lên giá. Tình hình trên đã gây ra không ít khó khăn cho đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và cả sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Đây cũng là những giải pháp chủ yếu của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011.
Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ là một trong sáu giải
pháp kiềm chế lạm pháp. Ảnh hoạt động vay vốn tại Ngân hàng Đầu tư chi nhánh
tỉnh Bình Phước
Theo nội dung của Nghị quyết 11, Chính phủ tập trung
vào sáu nhóm giải pháp như: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực
hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân
sách Nhà nước; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế
nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với
hỗ trợ hộ nghèo; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh công tác thông
tin, tuyên truyền. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối
hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, phối
hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách sách tài khóa để kiềm chế lạm
phát đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2011 là dưới 20%. Chính phủ
yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản
xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn. Hạn chế tốc độ và tỷ trọng vay vốn
tín dụng đối với khu vực không sản xuất. Trong vấn đề về thúc đẩy sản xuất,
kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng
lượng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan,
địa phương xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu, bảo đảm nhập siêu không
quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa,
vật tư, thiết bị các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách… Sử dụng điện tiết kiệm,
phân bổ hợp lý để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống. Tiếp tục
lộ trình điều hành giá điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường và Nhà nước có
chính sách hỗ trợ hộ nghèo sau khi điều chỉnh giá điện. Chính phủ yêu cầu Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa
phương thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội theo các dự án, chương
trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các
địa phương, triển khai thực hiện các quy định về hỗ trợ hộ nghèo khi có giá
điện được điều chỉnh…
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước tập trung chỉ đạo, thực hiện sáu giải pháp nói trên. Qua việc ban hành Nghị quyết 11, có thể thấy rằng, sự đồng bộ chính sách và phân công trách nhiệm cụ thể trong hoạt động điều hành cũng là một điểm nhấn mới đáng chú ý trong quyết sách của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát. Và Nghị quyết 11 đã bao quát được hết những nội dung ở các lĩnh vực và phân công nhiệm vụ chặt chẽ hơn cho các địa phương, cấp, ngành có liên quan.
Địa phương khẩn trương triển khai nghị quyết
Sau khi những quyết sách của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh Bình Phước đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đến các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Từ thực tế của địa phương và những giải pháp của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch hành động triển khai nghị quyết. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị tổ chức thực hiện ngay các giải pháp đã nêu trong nghị quyết.
Tăng cường giám sát, bình ổn giá là một biện pháp kiềm chế lạm pháp. Ảnh Lực lượng quản lý thị trường tỉnh
kiểm tra mặt hàng xăng dầu
Trong đó, Bình Phước tăng cường
kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế, tập trung xử lý các khoản nợ đọng
thuế. Các cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp lại nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm
10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011. Tạm dừng việc
trang bị mới xe ôtô, máy điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng, không bố trí
kinh phí cho các việc chưa thực sự cấp bách. Chưa khởi công các công trình, dự
án mới sử dụng bằng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trừ các dự
án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm, dự
án được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại điều chỉnh vốn
đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng hoàn thành trong năm 2011.
Tăng cường các biện pháp quản lý và bình ổn giá trên địa bàn, chống đầu cơ,
nâng giá, theo dõi sát diễn biến thị trường và xử lý nghiêm những hành vi vi
phạm. Ngành Điện cần điều tiết và phấn đấu tiết kiệm 10% điện, đồng thời phân
bổ nguồn hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sản xuất và đời sống.
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương tập trung điều hành, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ trong các giải pháp kiềm chế lạm phát, chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao trách nhiệm cho các thành viên UBND tỉnh theo phân công phụ trách địa bàn các huyện, thị tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại địa bàn để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh.
Theo thống kê sơ bộ về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong tháng 2- 2011 thì giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 268 tỷ đồng, tăng 66,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước thực hiện 1.359 tỷ đồng tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước 50.386 ngàn USD, tăng 4,2% so với tháng 1 và tăng 53,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước 11.352 ngàn USD, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trong tháng ước đạt 90 tỷ đồng...
Như vậy, năm mới đầy khó khăn và thử thách đã đi qua được hai tháng nhưng tiềm lực của tỉnh đã được tăng cường, chính trị, xã hội ổn định cộng với sự quyết tâm, đồng thuận, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Bình Phước sẽ vượt qua những khó khăn thử thách để vững bước tiến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065