THẾ GIỚI VẪN ĐANG PHẢI VẬT LỘN VỚI COVID-19
Thành phố cảng Guayaquil với 3 triệu dân ở Ecuador, người chết vì Covid-19 nằm la liệt khắp nơi, từ ngoài đường cho đến bệnh viện, các xác chết phải xếp chồng lên nhau trong nhà xác, quan tài không có, các bác sĩ phải dùng túi nilon hoặc túi đựng rác để bọc các thi thể. "Mọi người đều vô cùng sợ hãi. Những người ốm tới bệnh viện đang chết dần. Bạn chăm sóc một bệnh nhân, thực hiện những gì có thể làm, rồi họ qua đời. Sau đó, bạn chuyển sang người tiếp theo và họ cũng chết. Sự việc cứ thế tiếp diễn", một bác sĩ giấu tên kể về những ngày tồi tệ của đại dịch.
"Có thời điểm hàng chục người chết nằm giữa những phòng bệnh và nhà xác chờ được đưa đi. Chẳng còn túi đựng thi thể nào", người này nói thêm. Bác sĩ thứ hai cho biết ông thường xuyên nhìn thấy ba hoặc 4 thi thể trên sàn bệnh viện mỗi ngày. "Chúng tôi không có chỗ nào để đặt họ cả", ông nói.
Những hình ảnh quá đỗi khủng khiếp trên tưởng chỉ có trong các bộ phim của Hollywood, nhưng nay đã và đang xuất hiện trên rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả những quốc gia được coi là giàu có và phát triển về mọi mặt như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý... cũng phải khốn đốn vì cơn đại dịch này.
Đến nay trên thế giới đã có hơn 4 triệu ca nhiễm với Covid-19, khiến hơn 276 ngàn người tử vong, tất cả các con số này đều gia tăng mỗi ngày và chưa thấy dấu hiệu kìm hãm để dừng lại, các quốc gia vẫn đang loay hoay dùng những biện pháp khác nhau nhằm khống chế cơn đại dịch. Có thể nói virus SARS-CoV-2, với nhiều biến thể khác nhau của chúng đang là kẻ thù của mỗi quốc gia, của cả nhân loại.
COVID-19 LÀ ‘KẺ THÙ’, LÀ ‘QUÂN ĐỊCH’
Với những ảnh hưởng tàn khốc lên sức khỏe, đời sống kinh tế, xã hội của cả nhân loại nói chung và người dân trên đất nước ta nói riêng, ta có thể gọi virus gây nên cơn đại dịch Covid-19 này là “kẻ thù”, là “quân địch”. Chúng mượn thân thể của đồng bào ta, thân thể bạn bè quốc tế của ta để trú ẩn và sinh sôi, làm lây lan để tàn phá sức khỏe con người và nền kinh tế của chúng ta.
Nhưng, với sự lãnh đạo tài tình của Chính phủ, các cấp các ngành cùng sự đồng lòng của người dân trên cả nước, đến nay chúng ta cơ bản đã đẩy lùi được “quân địch”. Thực tế thì trong 24 ngày qua, chúng ta vẫn có thêm những ca nhiễm mới Covid-19, tuy nhiên chúng ta đã kịp thời cách ly khi vừa nhập cảnh. Chúng ta đã làm rất tốt, không cho “quân địch” có cơ hội lây nhiễm để phát tán dịch bệnh ra diện rộng. Các chuyên gia, bác sĩ của chúng ta cũng làm rất tốt việc tiêu diệt lũ virus đang trú ẩn kia, trả lại thân thể khỏe mạnh cho người dân ta, bạn bè quốc tế của ta.
Đã 24 ngày qua, Việt Nam chúng ta không có thêm ca nhiễm mới nào do lây lan trong cộng đồng, đó là nhờ các biện pháp đúng đắn và kịp thời từ Chính phủ, các bộ ngành đến các địa phương. Đến nay chúng ta có thể tạm yên tâm, xác suất còn ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng của chúng ta là rất nhỏ.
Dựa vào đó, Chính phủ đã và đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách, để đưa đời sống kinh tế - xã hội của người dân trở lại ổn định. Người dân có thể yên tâm hơn để tập trung làm việc, sản xuất, kinh doanh, mua bán, học tập, rèn luyện sức khỏe, giải trí...
Có thể nói, chúng ta đã giành một trận thắng vẻ vang trước “quân địch” là Covid-19. Bạn bè quốc tế nhìn chúng ta với một ánh mắt hoài nghi xen lẫn ngưỡng mộ. Họ hoài nghi cũng đúng thôi, vì chúng ta có hơn 1400 km biên giới với Trung Quốc – nơi được cho là khởi phát của cơn đại dịch này, họ hoài nghi vì cơ sở vật chất về y tế của chúng ta thua kém họ rất nhiều, họ còn hoài nghi về số liệu mà chúng ta công bố... Hoài nghi là vậy, nhưng thế giới rất ngưỡng mộ cách mà chúng ta làm, những gì chúng ta đã đạt được, họ bắt đầu học hỏi, xem chúng ta là hình mẫu trong việc phòng, chống cơn đại dịch này.
NHƯNG... CHÚNG TA VẪN CÒN CẢ MỘT CUỘC CHIẾN
Chúng ta tập trung phát triển kinh tế, nhưng vẫn phải tuân thủ các công tác phòng dịch Covid-19. Tuyệt đối không dược chủ quan.
Với tính chất ẩn náu kín đáo, lây lan đáng sợ của chủng virus này, chúng gây lây nhiễm giữa người với người ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng. Chúng ta vẫn phải đề phòng với “quân địch” có khả năng tàng hình, biết ẩn náu, chúng sẵn sàng tấn công trở lại bất cứ lúc nào bởi sự chủ quan hay thiếu ý thức của một số người.
Chúng ta đạt được những gì như ngày hôm nay trong công cuộc chống dịch, là một sự nỗ lực rất lớn của toàn thể dân ta, dưới dự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp. Chúng ta đã đổ rất nhiều công sức và tiền của, rất nhiều sự hy sinh của các y bác sĩ, của các chiến sĩ biên phòng, các tình nguyện viên...
Mỗi người dân chúng ta cần có trách nhiệm không để dịch quay trở lại trong cộng đồng, vì nếu như vậy, chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu. Và khi mà cảm giác lâng lâng khi vừa giành một “trận thắng”, sự chủ quan, vô ý thức của bất kỳ ai có thể sẽ gây ra hậu quả nặng nề, thảm khốc hơn.
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
Những ngày này, công tác khoanh vùng, cách ly, truy vết đã đỡ vất vả hơn rất nhiều cho chúng ta. Những trường hợp nhập cảnh đều được cách ly 14 ngày để xét nghiệm và theo dõi, sau đó là tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Sự kiểm soát chặt chẽ trong 14 ngày đầu tại khu cách ly chuyên biệt cho chúng ta cảm giác yên tâm. Còn việc tự cách ly và theo dõi tại nhà 14 ngày tiếp theo sau khi hoàn thành cách ly tập trung còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Bởi vì thời gian ủ bệnh của Covid-19 đã được xác định với rất nhiều trường hợp trên thế giới là hơn 20 ngày, xét nghiệm mới có kết quả dương tính.
Chúng ta không thể đặt vận mệnh của gần 100 triệu người dân vào ý thức của vài người, cần rút kinh nghiệm từ đợt dịch tái xuất hiện ở nước ta vừa qua, chỉ vài người thiếu ý thức đã khiến rất nhiều người bị lây nhiễm, rất nhiều hoạt động kinh doanh, mua bán, học tập bị đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người trên cả nước.
Việc của mỗi người là tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi đông người và trên các phương tiện hành khách, luôn rửa tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân.
Vai trò của các chiến sĩ biên phòng sẽ là yếu tố then chốt trong công tác “bao đê cho chặt”, không để cho dịch xâm nhập từ bên ngoài. Việt Nam chúng ta có đường biên giới rất dài, lên đến hàng ngàn km với 3 nước là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Thời gian tới và có thể còn rất lâu nữa cho đến khi cơn đại dịch này được khống chế trên toàn thế giới, các chiến sĩ biên phòng vẫn phải ngày đêm canh gác, túc trực, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vượt biên trái phép để đảm bảo dịch bệnh không xâm nhập vào lãnh thổ nước ta - điều này là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có đường biển rất dài - cũng cần được kiểm soát kỹ lưỡng và chặt chẽ. Việt Nam hiện nay vừa kiểm soát dịch tốt vừa chữa bệnh giỏi, được coi là nơi an toàn cho bất cứ ai trong cơn đại dịch này. Vậy nên, nguy cơ người nước ngoài tìm mọi cách để nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ nước ta là hoàn toàn có khả năng xảy ra, liệu sẽ có một vài container chở người “nhập lậu” vào Việt Nam? Những điều này chúng ta cần phải lường trước.
Những ngày tới, sẽ có thêm nhiều chuyến bay nữa, đưa công dân Việt Nam từ các nước trở về, trong số này chắc chắn sẽ có thêm nhiều ca nhiễm. Rồi những ngày tới nữa, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, nền kinh tế dần hồi phục, phát triển thì các chuyên gia nước ngoài sẽ sang Việt Nam để làm việc, du khách nước ngoài sẽ muốn đến Việt Nam để du lịch, vì đất nước chúng ta an toàn, nhiều cảnh đẹp, chi phí rẻ... Chúng ta cần phải lường trước được tất cả nguy cơ lây nhiễm dịch từ các nhóm đối tượng trên, cho đến khi nào Covid-19 được khống chế hoàn toàn trên hành tinh này.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065