BP - Các ngành chức năng đã có rất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em nhưng hiện nay, số trẻ em bị đuối nước trong tháng đầu hè đã ở mức báo động. Theo thống kê từ Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, mỗi năm Việt Nam có khoảng 6.500-7.000 người bị chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em, cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ sơ ý bị rơi xuống nước, đi tắm biển, sông, hồ không có người lớn đi cùng hoặc rơi xuống hố công trình xây dựng...
Đuối nước hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Mùa nắng nóng năm 2019 mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Những tháng gần đây, trong khi các cơ quan, ban, ngành đang tìm kiếm giải pháp hạn chế tình trạng đuối nước thì những cái chết đau lòng vẫn cứ tăng lên, hôm nay tỉnh này hôm sau tỉnh, thành khác có người đuối nước, đa phần là học sinh. Hồi tháng 2, có 6 học sinh chết đuối tại Quảng Nam; tháng 3 lại thêm 9 học sinh tiểu học ở Hòa Bình, 6 trẻ ở Gia Lai; tháng 4 ở Thừa Thiên - Huế có 3 trẻ bị chết đuối do ra biển tắm và trưa cùng ngày tại biển huyện Phú Vang, lực lượng chức năng và người dân cũng tìm thấy thi thể 1 học sinh khác. Tháng 5 này đuối nước xảy ra với tần suất báo động: 2 em ở Bình Thuận, 7 em ở Thanh Hóa, 4 học sinh ở Khánh Hòa, 8 em tắm và 3 em tử vong ở Hòa Bình... trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, bủa vây gia đình, xã hội.
Những vụ đuối nước ở trẻ em đều giống nhau, nắng nóng đi chơi gặp ao, hồ nhảy xuống tắm, rồi bất ngờ vào phải vùng nước sâu nên gặp nạn. Đỉnh điểm nhất vẫn là những tháng hè, trời nóng bức, các em lại không phải đến trường, thiếu sự giám sát của gia đình. Bộ GD-ĐT dự kiến đưa bộ môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, kỹ năng dạy của thầy cô và cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng nên vẫn chưa thành hiện thực. Nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 có tất cả 9 bộ, ngành sẽ cùng triển khai kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và các biện pháp giám sát trẻ, trông trẻ tại gia đình, cộng đồng... Tuy nhiên vẫn chưa thể hiện rõ sự ưu việt.
Bảo vệ trẻ em vừa là tình thương vừa là trách nhiệm của người lớn. Điều cốt yếu vẫn là trang bị kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó trong những tình huống nguy cấp là cần thiết. Bởi minh chứng từ những vụ đuối nước cũng cho thấy, không hẳn biết bơi thì không bị chết đuối. Đồng thời có giải pháp tổng thể mang tính thiết thực, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ trong dịp hè có sự quản lý, giám sát. Và trước mắt ở mỗi gia đình, để bảo vệ an toàn, tránh cho trẻ không bị đuối nước dịp hè, ngoài việc dạy trẻ biết bơi cần trang bị cho các em một số kỹ năng sống cần thiết như: Không tự ý xuống biển tắm khi xung quanh vắng người, không tắm ở nơi đã có cảnh báo nguy hiểm, không tắm vào buổi trưa hay lúc nhập nhoạng tối... Khi trẻ có kỹ năng, có vốn sống các em sẽ tự bảo vệ được bản thân và nỗi lo của cha mẹ vì thế cũng được vơi dần.
An Nhiên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065