Chiều một ngày cuối tháng giêng năm Đinh Dậu, trong vai những người ở xa, chúng tôi đến am thờ của bà Hường xin được cầu may và chữa bệnh. Cách ngã ba Sóc Nê khoảng 200m, dưới tán vườn điều già là căn nhà lợp tôn, khung sắt và che chắn bằng tôn. Bên trong có 4 bàn thờ phật, một bàn thờ cha mẹ, còn bên ngoài xây thêm 2 miếu thờ thánh. Chủ nhà cho biết, hằng ngày đều có người lui tới, nhưng đông nhất là vào các ngày “vía bà” mồng 8, 18 và 28 âm lịch hằng tháng.
CÓ HAY KHÔNG SỰ THẦN KỲ CỦA “NƯỚC THÁNH”?
Sau một hồi trò chuyện, tôi ngỏ ý xin “thánh cô” chữa bệnh thì được hướng dẫn phải ra ngoài mua một chai nước (nước lọc đóng chai) mang vào đặt lên bàn thờ phật, rồi thắp nhang, khấn vái và cầu nguyện những điều mình mong muốn. Lễ xong mang nước về uống, nếu được thánh thần chứng giám sẽ khỏi bệnh, còn không thì coi như thiếu may mắn. Thấy lạ vì “thánh cô” không thực hiện việc chữa bệnh như mọi người mô tả trước đó nên tôi ngầm để ý và phát hiện xung quanh nhà của “thánh cô” đều có các “vệ tinh” theo dõi và họ đã phát hiện ra “những vị khách có biểu hiện khả nghi”.
“Thánh cô” lên đồng chữa trị cho người bệnh
Theo lời kể của một người bệnh ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh), người đến chữa bệnh thường tập trung đông từ lúc 10-12 giờ trưa. Chữa cho ai, bà Hường kêu đối tượng vào, thắp nhang niệm chú rồi cầm chai nước đã được người bệnh mua đặt trên bàn thờ phật trước đó. Kế đến bà Hường lên đồng, hỏi bệnh, người bệnh nói bệnh gì, đau ở khu vực nào thì sờ nắn, xoa bóp vùng cơ thể liên quan của người bệnh và nói một thứ ngôn ngữ mọi người không hiểu. Sau khi làm lễ, “thánh cô” phán bệnh, cho biết nguyên nhân bị bệnh, rồi yêu cầu người bệnh dùng nước đã được “thần thánh” ban phước đem về uống. Uống hết nước, nếu chưa bớt, tiếp tục đến xin “thánh cô” chữa trị. “Cô” không yêu cầu phải đặt lễ bao nhiêu mà tùy tâm người bệnh. Phần lớn bệnh nhân đều ở xa đến, người này nói cho người khác biết, không biết có khỏi bệnh không, nhưng thấy hay và để an tâm tư tưởng nên rủ nhau đến.
Bà V.N.H, một người dân ở xã Tiến Thành cho biết: “Vào những ngày “vía bà”, có từ 50-60 người đến chữa bệnh và cầu may, ngày thường cũng có nhưng ít hơn. Đã có nhiều người đến chữa bệnh, được bà Hường cho nước uống, bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Sống ở đây lâu năm, chúng tôi hiểu rất rõ về bà Hường. Vì vậy, am thờ của bà Hường chỉ thu hút người từ nơi khác đến cầu may và chữa bệnh, còn người dân ở đây rất bức xúc về việc làm của bà Hường và đã nhiều lần báo với chính quyền. Chúng tôi cho rằng, đây là hành vi mê tín dị đoan, lôi kéo người từ nơi khác về tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Từ đầu năm đến nay, trên đoạn đường từ ngã ba Sóc Nê vào Trường cấp 2-3 Tân Tiến đã xảy ra 3 vụ cướp giật và đã có một trường hợp bị mất xe máy. Bà con mong muốn chính quyền có biện pháp cứng rắn không để tình trạng này tiếp diễn. Nếu là thầy thuốc phải có chứng chỉ hành nghề, còn không phải thì không để tụ điểm như thế này phát sinh”.
CẦN XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI COI THƯỜNG PHÁP LUẬT
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Nhận thấy đây là am thờ trái phép, có biểu hiện mê tín dị đoan, Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã đã đến nhà và trực tiếp mời ra trụ sở UBND xã làm công tác tư tưởng, vận động gia đình và mọi người chấp hành pháp luật 4 lần, nhưng bà Hường luôn tỏ thái độ không chống đối cũng không đồng tình.
Biên bản làm việc lần thứ 4 giữa UBND xã Tân Tiến với hộ bà Hường (có đại diện các phòng, ban chức năng của huyện Bù Đốp tham gia) ngày 15-2-2017 đã thể hiện phần nào thái độ bất hợp tác của bà Hường. Tại buổi làm việc, đại diện Phòng Nội vụ huyện Bù Đốp khẳng định: Tất cả các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động phải có giấy phép. Việc gia đình bà Hường thờ mẫu là tự do tín ngưỡng của mọi người, pháp luật không cấm, nhưng lôi kéo nhiều người đến tụ tập là trái quy định của pháp luật. Nếu gia đình bà Hường chữa bệnh được bằng nước lã thì phải có giấy phép theo đúng quy định pháp luật.
Đại diện Ban Dân vận Huyện ủy Bù Đốp cho rằng: Hành vi làm phép chữa bệnh của bà Hường đã tạo niềm tin ảo trong nhân dân. Việc làm am thờ tự của bà Hường là trái quy định, cần thu gọn lại và chỉ thờ cúng trong phạm vi gia đình.
Khoản 1, điều 247 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung ngày 19-6-2009 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm... |
Ngoài ra, với mục đích tuyên truyền, vận động, nhiều ý kiến mong muốn bà Hường sống phải có tình, có nghĩa, có lương tâm với người bệnh. Mặc dù đã được phân tích, giảng giải thấu tình đạt lý nhưng bà Hường vẫn không hợp tác mà thách đố: Chính quyền không cho phép gia đình tôi thờ cúng thì cứ lên dẹp, chứ kêu tôi dẹp thì tôi không dẹp. Còn bà Ngô Thị Nghĩa (chị em với bà Hường) a dua: Nơi thờ cúng của gia đình đã có từ lâu, người dân đem nước đến cúng mẫu để chữa bệnh là do người dân tự nguyện.
Ông Trần Văn Thành cho hay: Tại cuộc họp, chúng tôi đã yêu cầu bà Hường chấm dứt việc lên đồng, chữa bệnh trái phép. Nếu thờ cúng tại gia phải xin phép chính quyền theo đúng quy định pháp luật, đồng thời đề nghị gia đình tuyên truyền, vận động người dân không đến thắp nhang cúng bái... Tuy nhiên bà Hường vẫn không hợp tác mà tự ý bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc.
Ông Thành quả quyết: Sau lần tuyên truyền, vận động này, bà Hường tiếp tục tái phạm, UBND xã sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tái phạm sau xử phạt, chính quyền sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Những năm gần đây, đã có không ít người lợi dụng tự do tín ngưỡng để tư lợi, làm giàu cho bản thân bằng nhiều hình thức như chữa bệnh hoặc cúng bái với những lời lẽ huyền bí, bởi họ đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận không nhỏ người dân. Thực tế cũng cho thấy, đã có rất nhiều người không những không chữa được bệnh mà còn rước thêm họa vào thân. Rất mong nhân dân đề cao cảnh giác để không bị tiền mất tật mang.
L.P
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065