Có người đã nói vui rằng: nghề viết văn, viết báo cũng giống như nghề thợ hồ (thợ xây). Chỉ khác nhau là người thợ hồ thì xây bằng gạch, đá, cát, xi măng, sắt, thép… và làm việc trên công trình; còn nhà văn, nhà báo thì vật tư chỉ là 29 chữ cái cùng một số “chất phụ gia” là các dấu hỏi, ngã, nặng, huyền, sắc… và “xây” trên giấy hay trên máy vi tính ở tại nhà hoặc trong văn phòng. Đã vậy, đối với người viết báo, mỗi khi tác phẩm đến với công chúng còn phải qua nhiều khâu biên tập, sửa lỗi, duyệt bản boon… Vậy, nhưng không phải tất cả tác phẩm dù là bản tin hay bài viết đều hoàn hảo khi đến tay bạn đọc. Nguyên nhân của việc này thì có nhiều nhưng chủ yếu do vốn ngôn ngữ của tác giả đôi khi không đủ phong phú để diễn đạt sự vật, sự việc, hiện tượng. Cũng có khi vì sự chủ quan của chính người viết dẫn đến hiểu sai vấn đề và từ đó diễn đạt không đúng nội dung trong văn bản hoặc ý kiến phát biểu của ai đó. Từ đó làm cho người đọc, người nghe hiểu và làm sai.
Bằng chứng là, ngày 4-9-2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Văn bản số 358/TANDTC-VP thông báo ý kiến của người phát ngôn về việc không bán 3 trụ sở thuộc Tòa án nhân dân tối cao mà một số cơ quan báo chí đã đưa tin chưa chính xác. Nội dung văn bản cho biết, Báo Tiền Phong đăng bài “Thủ tướng Chính phủ bác đề xuất bán 3 cơ sở đất vàng của Tòa án nhân dân tối cao ở Hà Nội”, Báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết với tựa đề “Thủ tướng yêu cầu không bán trụ sở cũ TAND tối cao để lấy tiền xây trụ sở mới”, Báo VietNamNet có bài “Không bán trụ sở Tòa án nhân dân tối cao lấy tiền xây trụ sở mới”... Và qua tìm hiểu nội dung của các bài báo nêu trên, người phát ngôn, Chánh văn phòng Tòa án nhân dân tối cao thông tin chính thức nội dung này như sau:
Tại Công văn số 369/TANDTC-KHTC ngày 16-12-2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị “việc bán đấu giá một số tài sản dôi dư nhất là cơ sở 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội với giá thấp sẽ gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước nên đề nghị bàn giao cho Chính phủ quản lý, sử dụng hoặc bố trí cho cơ quan nhà nước khác có nhu cầu”.
Tại Báo cáo số 126/TANDTC-KHTC ngày 26-5-2020 của Tòa án nhân dân tối cao gửi Thủ tướng Chính phủ về “Phương án xử lý các cơ sở nhà đất của Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội...”, trong đó, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bàn giao 3 cơ sở nhà đất tại 262 Đội Cấn, quận Ba Đình; số 2 Văn Phú, số 2A Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho Chính phủ quản lý, sử dụng hoặc bố trí cho cơ quan nhà nước có nhu cầu.
Tại Công văn số 6338/VPCP-CN ngày 4-8-2020, của Văn phòng Chính phủ gửi Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc như sau: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 7598/BTC-QLCS ngày 23-6-2020, và đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao không bán các cơ sở nhà đất tại: số 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, số 2 Văn Phú và số 2A đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội... Tòa án nhân dân tối cao thực hiện sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất và đề xuất phương án phù hợp theo quy định, gửi Bộ Tài chính; Bộ Tài chính thẩm định và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 3 cơ sở nhà, đất tại 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, số 2 Văn Phú, số 2A Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017, của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Từ nội dung trên đây cho thấy, việc không bán 3 cơ sở nhà đất nêu trên là do Tòa án nhân dân tối cao đề xuất và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý; chứ không phải là Thủ tướng “bác” đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao bán 3 cơ sở trên để lấy tiền xây trụ sở mới, như một số bài báo đã nêu.
Ông bà ta có câu “chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá”. Hiểu một cách đơn giản thì câu thành ngữ này là viết nhầm chữ này sang chữ kia. Trong trường hợp nêu trên còn có sự hiểu nhầm một cách “chủ quan” của người viết để tăng tính hấp dẫn, tăng sự thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, người xưa cũng có câu “sai một ly đi một dặm” là thế.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065