BP - Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thời thơ ấu, đồng chí được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Tuấn Kiều…, đã in sâu trong tâm hồn Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.
Vốn thông minh, tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, đồng chí Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Đồng chí là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Ngày 20-4-1919, đồng chí tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở biển Đen, kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm France Pháp, ủng hộ nước Nga (Xô viết) - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, chống sự can thiệp vũ trang của bọn đế quốc đối với Nhà nước Xô viết non trẻ. Về sự kiện này, đồng chí Tôn Đức Thắng viết: “Tôi tin rằng, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại biển Đen (Mer Noire), không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng tháng Mười”. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã trở thành một gạch nối của cách mạng Nga với cách mạng Việt Nam, nối liền cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến dự và khai mạc Đại hội “Ba sẵn sàng toàn miền Bắc” - Ảnh tư liệu
Năm 1920, trở về Sài Gòn, đồng chí tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn - hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân nước ta từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
Tháng 8-1925, đồng chí cùng Công hội đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son giành thắng lợi. Năm 1927, đồng chí Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng ta). Cũng trong năm đó, đồng chí được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Tháng 7-1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị kết án 20 năm khổ sai. Tháng 7-1930, đồng chí bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, đồng chí đã tham gia vận động thành lập Chi bộ cộng sản nhà tù Côn Đảo và là một trong những chi ủy viên đầu tiên. Đặc biệt, khi chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, đồng chí Tôn Đức Thắng tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản, nội dung huấn luyện cho tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo, đồng chí đã giúp chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin... dùng làm tài liệu học tập trong tù.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về đất liền, đồng chí Tôn Đức Thắng được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phụ trách Ủy ban kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam bộ, Phó hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Đồng chí là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao ý thức, tổ chức kỷ luật của người đảng viên Đảng Cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị; nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng chí đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mặc dù tuổi cao, đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng Ngày 19-8, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam”. Đúng ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hôm nay (20-8), tỉnh An Giang cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ dâng hoa tại tượng đài Bác Tôn; lễ dâng hoa, dâng hương tại đền tưởng niệm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trọng tâm là chương trình nghệ thuật được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam từ 8 giờ 30 phút đến 10 giờ... |
Hơn 30 năm liên tục trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.
92 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào, hiến dâng cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh. Trong lời “Chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Di sản quý giá mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng sản, là sự hội tụ khí chất hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam bộ, là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam. Đồng thời, là biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, xây dựng khối đoàn kết quốc tế. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng”.
B.T
(Theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và các tài liệu khác)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065