Ngày 30-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đi khảo sát thực tế tại tuyến đê biển Ba Tri của tỉnh Bến Tre, kiểm tra hiệu quả khai thác và sử dụng các dự án công trình ngăn mặn, ngọt hóa, nghe lãnh đạo tỉnh và người dân tại các địa phương thuộc tỉnh phản ánh về những tác động của vấn đề nước biển dâng và công tác phòng chống của các địa phương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm công trình cống đập Ba Lai, thuộc dự án ngăn mặn và ngọt hóa Bắc Bến Tre
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu đến năm 2020, mực nước biển dâng 12cm, Bến Tre sẽ bị ngập 272km2, chiếm 12% tổng diện tích với khoảng 97.890 người bị ảnh hưởng. Nước mặn tiến sâu vào nội đồng hơn 50km vào năm 2050, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Một vùng đất thấp rộng lớn với các khu rừng ngập mặn ven biển và hệ sinh thái động thực vật bản địa sẽ biến mất. Tuy nhiên, ngay trong năm 2013, tình hình ngập mặn đã xâm nhập khoảng từ 40-50km trên sông Vàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên. Hiện đã có trên 63.000 hộ dân với 259 nhân khẩu thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Diện tích lúa tại một số xã mất trắng. Thiệt hại do mặn gây ra khoảng 60 tỷ đồng.
Tình trạng xói lở đất bờ biển tại các xã Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại), Thạnh Hải (Thạnh Phú) với tốc độ 50km mỗi năm dẫn đến tình trạng mất đất, mất rừng, và thiệt hại các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước tình trạng đó, tỉnh Bến Tre đã tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống thủy lợi, và đê biển, đê bao cục bộ. Hiện toàn tỉnh có 50 kênh trục với chiều dài 227km, 78 công trình thủy lợi như Châu Bình-Vàm Hồ, Cầu sập, Công-Đâp Ba Lai... đã hoàn thành; 396km đê biển, đê bao cục bộ đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con.
Tại cuộc họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã nghe cán bộ chủ chốt báo cáo tình hình. Các đại biểu cho rằng, hệ thống thủy lợi Bến Tre chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá, hệ thống cống, đập lớn chưa được đầu tư; dẫn đến thực trạng một số huyện như Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, vùng nam Mỏ Cày vẫn bị nhiễm mặn nặng nề.
Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và cho rằng việc hạn chế tác động biến đổi khí hậu không phải bây giờ mới được thực hiện mà đã được triển khai mạnh trong thời gian qua.
Chủ tịch nước cho rằng tình trạng xâm mặn hiện nay diễn biến nhanh hơn nhiều so với dự báo; đòi hỏi các bộ ngành địa phưng phải có giải pháp kịp thời; căn dặn, đầu tư cho các công trình thủy lợi, giữ ngọt, tiêu úng cần gắn rà soát quy hoạch, lựa chọn công trình trọng điểm để đầu tư. Với những dự án có liên quan đến nguồn vốn nước ngoài, tỉnh cần khắc phục những tồn tại trong thủ tục, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tạo thù tục thông thoáng để thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn.
Ông Trương Tấn Sang hoan nghênh tỉnh Bến Tre đã tập trung nỗ lực bằng cả hệ thống chính trị của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng; ghi nhận những cố gắng của Bến tre trong việc nâng cấp hạ tầng, kết nối các tuyến giao thông huyết mạch, đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng ngăn cách với các địa phương bên ngoài.
Chủ tịch nhấn mạnh, trong tổng thể kinh tế vùng, chắc chắn nông nghiệp vẫn là trọng điểm lâu dài của Bến Tre. Các cấp ngành của tỉnh cần xác định rõ định hướng này, để lựa chọn các dự án đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp.
Quan tâm đến đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước đề nghị các địa phương quan tâm trợ giúp kịp thời cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng, gắn xóa đói giảm nghèo, nâng cấp hạ tầng nông thôn với xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên cạnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đê biển, hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, tỉnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo đối tượng chính sách, chuyển dịch kinh tế đúng hướng nhằm đưa Bến Tre có bước phát triển trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Bến Tre, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Nhà máy nước Ba Lai - công trình cung cấp nước ngọt cho người dân xã Thạnh Trị (Bình Đại) các các vùng lân cận; thăm hỏi và tặng quà cho 5 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, thăm một số hộ dân có nhà bị sạt lở được bố trí tái định cư tại xã Tân Thiềng (Chợ Lách).
Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Khu di tích “Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định” tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc.
Ghi lưu bút tại đây, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động nhớ lại những năm tháng gian khổ, đấu tranh ác liệt của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong vùng Khu ủy Sài Gòn-Gia Định hoạt động.
Chủ tịch nước nhấn mạnh “năm tháng sẽ qua đi nhưng công lao của các vị lãnh đạo hoạt động lúc bấy giờ cũng như công sức, đóng góp của đồng bào sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử đấu tranh của quân và dân Sài Gòn-Gia Định và địa phương. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công lao của những người đã xả thân vì nước”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065