Từ khi triều đình nhà Nguyễn ký kết các hòa ước, đi từ nhượng bộ này tới nhượng bộ khác (1862, 1874, 1884) với Chính phủ Pháp, nước ta bước vào “thời kỳ Pháp thuộc”. Nhà nước phong kiến Việt Nam thời kỳ này bị suy yếu, chính quyền thuộc địa Pháp thay mặt Nam triều trong những mối quan hệ ngoại giao, đồng thời đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ những cam kết chung, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Người Pháp và lính Việt thực hiện nghi lễ chào cờ tại Hoàng Sa - (ảnh tư liệu)
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra lệnh xây dựng 1 hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, lệnh này đã không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Dù vậy, hải quân Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu vùng biển này để giữ an ninh và cứu giúp các tàu thuyền bị nạn. Đầu thế kỷ XX, Pháp bắt đầu có những động thái tích cực hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh việc gìn giữ an ninh trên biển Đông, các năm 1917 và 1918, chính quyền Pháp tại Đông Dương có đề cập đến việc lắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát khí tượng, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1925, Viện Hải dương học và Nghề cá Đông Dương cử tàu De Lanessan ra khảo sát 2 quần đảo Hoàng Sa. Ngày 8-3-1925, toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp. Tháng 11-1928, Thống đốc Nam kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở quần đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat Bắc kỳ mới. Ngày 13-4-1930, thông báo hạm La Malicieuse ra quần đảo Trường Sa và treo quốc kỳ Pháp. Ngày 15-6-1932, chính quyền thuộc địa Pháp ra Nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chính gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 13-4-1933, một hạm đội của hải quân Pháp ở Viễn Đông rời Sài Gòn ra quần đảo Trường Sa thực hiện các nghi thức truyền thống theo đúng tập quán quốc tế về việc chiếm hữu lãnh thổ tại đây. Ngày 26-7-1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo về việc hải quân chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thông báo ghi rõ “những hải đảo và tiểu đảo ghi trong văn bản này kể từ nay đã thuộc chủ quyền nước Pháp”. Ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam kỳ Krautheimer ký Nghị định số 4762, sáp nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Spratley) nằm trên biển Đông vào tỉnh Bà Rịa. Trong năm 1937, chính quyền Pháp cử kỹ sư công chánh Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu vị trí xây dựng hải đăng, căn cứ cho thủy phi cơ; đồng thời đưa tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó đô đốc Istava chỉ huy ra thăm quần đảo Hoàng Sa. Ngày 15-6-1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévie ký nghị định thành lập đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, chính quyền Pháp dựng một bia chủ quyền mang dòng chữ: “Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816 - đảo Pattle 1938”, một ngọn hải đăng, một trạm khí tượng, một trạm radio TSF tại đảo Hoàng Sa; đồng thời dựng một trạm khí tượng khác ở đảo Phú Lâm (lle Boisée) cùng một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm radio TSF tương tự trên đảo Ba Bình (ltu Aba). Tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được đưa tới đồn trú ở Hoàng Sa. Nam triều trong thời kỳ này tuy tồn tại trên danh nghĩa, nhưng vẫn chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể là, ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13 (30-3-1938), hoàng đế Bảo Đại ký dụ số 10 với kết luận: “... Chiếu theo các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã từ lâu và dưới các tiên triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi”. (*)
Về khoảng cách đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần Việt Nam nhất. Từ đảo Tri Tôn đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan 15014'N, 108056'E) tức đất liền lục địa Việt Nam, khoảng cách đo được 135 hải lý. Trong khi đó, khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải Nam xa hơn 140 hải lý (đảo Hoàng Sa - 16032N, 111036 E và Ling-sui Pt hay Leong-soi Pt - 18022 N, 110003 E). Khoảng cách từ Hoàng Sa tới đất liền lục địa Trung Hoa còn xa hơn rất nhiều, tối thiểu là 235 hải lý. |
Suốt thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp luôn thực thi chủ quyền của Vương quốc Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ có trách nhiệm “bảo hộ”. Mặc dù trong giai đoạn này bắt đầu có một số nước lên tiếng đòi hỏi chủ quyền vô lý ở một số đảo (trong đó có Trung Quốc) nhưng tất cả đều bị chính quyền Pháp kiên quyết phản đối. Khi thua trận rút khỏi Đông Dương, Chính phủ Pháp đã bàn giao quyền quản lý vùng biển này lại cho chính phủ. Dù chính phủ này do Pháp dựng lên nhưng cũng là của người Việt Nam.
Đức Hồng
(*) Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu VnMedia
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065