MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Quán tạp hóa nhỏ trên đoạn đường vắng ở ấp 2, xã Lộc Điền, buổi trưa giữa mùa khô khá tĩnh lặng. Ở tuổi xưa nay hiếm và gánh khổ cả cuộc đời nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên khuôn mặt còn lưu giữ nét của một người phụ nữ đẹp xưa.
Kể cho tôi nghe những năm tháng chiến tranh chống quân xâm lược ở Duy Xuyên (Quảng Nam), thỉnh thoảng má Mai lại phải dừng để bán hàng. Nhưng xâu chuỗi sự kiện tôi nghe như vừa xảy ra. “Chống Pháp vừa xong lại chống Mỹ, quê tôi chìm trong khói lửa đạn bom. Cả ông nội, ông ngoại tôi đều đi đánh Pháp. Thế hệ ba tôi lại tiếp bước vào bộ đội để đánh Mỹ nên đi biền biệt. Có chồng là cộng sản, má cứ phải vào tù ra khám như cơm bữa. 15 tuổi, tôi bỏ học để thăm nuôi má và thay nuôi 2 em. 20 tuổi lấy chồng là Nguyễn Thanh Long (1936) cũng chung cảnh có ba theo cách mạng nên con trai cũng vào tù chịu đòn roi thay ba. Vậy là tôi lại tiếp tục bới cơm tù cho chồng và nuôi con...
Tâm Từ xong luận án tiến sĩ, má Mai mới nghỉ dưỡng tuổi già
Một đêm cuối năm, ba tôi bí mật về thăm nhà và đưa má cùng 2 em theo. Riêng tôi đã có chồng nên ở lại. Chồng tôi ra tù lại tiếp tục phải trốn lính. Ruộng đồng một mình không gánh hết nên tôi mở quán tạp hóa tập bán buôn để nuôi con thơ.
Giải phóng, ông nội của các cháu ở miền Bác về quê. Hơn 20 năm tập kết ra Bắc, ông vẫn sống đơn thân để mong ngày trở về sum họp cùng vợ con. Khi xe đổ đèo Nam Hải Vân thì dừng nghỉ để mọi người được nhìn ngắm quê hương sau hơn 20 năm xa cách. Ông nội các cháu do mải nghĩ đến cảnh đoàn tụ gia đình nên xe lăn bánh hồi nào không biết. Vậy là ông phải đi xe thồ về nhà nhưng vẫn không bị lạc đường. Lúc này, chồng tôi đang ở ruộng. Dù chưa một lần gặp mặt ba chồng nhưng khi ông vừa xách ba lô vào nhà thì tôi đã gọi ba. Lần đầu biết mặt con dâu, ông cười trong nước mắt. Ba đi cách mạng gần 25 năm, gia tài gói gọn trong chiếc ba lô chỉ là vài bộ áo quần bộ đội để làm kỷ niệm...
QUÁN TẠP HÓA NUÔI 2 CON TIẾN SĨ
Má kể: năm 1977 cũng như nhiều gia đình khác ở miền Trung, gia đình vào Lộc Điền lập nghiệp. Những năm đó, khu vực này vẫn còn rừng nguyên sinh hoang vắng, đêm ngủ nghe tiếng voọc hú, heo rừng kéo từng đàn ra đào bới phá rẫy... 7 năm sau (1984), ông Long lâm bạo bệnh, bị tai biến nên phải nằm một chỗ. Lúc này, kinh tế gia đình khó khăn nên con gái thứ 2 (Thanh Thư) phải gác ước mơ trở thành bác sĩ để nhờ Nhà nước nuôi cho học đại học công an.
Ông trời cho má sức khỏe để vừa chăm chồng nằm một chỗ vừa là trụ cột gia đình nuôi các con ăn học. Những năm đó, nơi đây chưa có điện nên 3 giờ sáng phải xuống suối kéo ống tưới 1.500 nọc tiêu. Nhờ vườn tiêu mà cả nhà chèo chống qua được những năm tháng khó khăn. Năm 1990, ông Long qua đời, vườn tiêu cũng bị bệnh héo rũ, chỉ còn quán tạp hóa giúp má kiếm tiền nuôi các con ăn học...
6 người con của má Mai nay đã trưởng thành, có sự nghiệp và ở riêng. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (1965) là y sĩ Bệnh viện đa khoa Bù Đốp. Chị Nguyễn Thị Thanh Thư (1968) làm việc tại Công an huyện Lộc Ninh. Chị Thanh hiện đang học văn bằng 2 đại học Luật và tiếng Khơme để phục vụ chuyên môn. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (1972) giáo viên Trường THCS Lộc Thái. Nguyễn Gia Thụy (1974) tiến sĩ sử học, là chuyên gia của Bộ Giáo dục - đào tạo. Chị Nguyễn Thị Tâm Từ (1976) nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ Luật tại Ấn Độ... “Ở quê, nhiều người cứ thắc mắc sao khổ vậy mà má vẫn vui vẻ và nhìn trẻ hơn so với tuổi. Có lẽ nhờ thành tích học tập, công tác của các con đã cho tôi thêm nghị lực...” - sau chia sẻ của má là nụ cười hiền hậu chia sẻ.
Gia Thụy - người con thứ tư muốn đưa má về ở cùng để chăm sóc, nuôi dưỡng tuổi già nhưng má chỉ yêu cầu nếu có điều kiện kinh tế thì phụ em ăn học. Điều làm má Mai hài lòng nhất là Gia Thụy vẫn thường chia sẻ khó khăn với các trường học, học sinh nghèo ở vùng sâu, xa. Hàng năm, Gia Thụy tiết kiệm gửi tặng học bổng, máy vi tính cho các trường ở Lộc Ninh.
Những ngày đầu năm, má Mai đang mong ngóng con gái Tâm Từ về gia hạn thời gian lưu trú ở Ấn Độ. “Phải 3 năm nữa, Tâm Từ xong luận án tiến sĩ thì má mới “giải nghệ” quán tạp hóa và nghỉ dưỡng tuổi già” - má nở nụ cười nhưng trên khóe mắt vẫn rưng rưng giọt lệ hạnh phúc. Má khoe với tôi bức tranh thư pháp Tâm Từ tặng mẹ: Kính dâng Má/Vì con Má khổ một đời/Lặng thầm Má để lệ rơi ngược dòng/Quê nhà khuya sớm dõi trông/Tin con từng đứa cõi lòng chưa an!
Chia tay má Mai khi xuân Ất Mùi đang gõ cửa từng nhà. Má Mai chính là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, hy sinh bản thân cho chồng con và khi Tổ quốc cần.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065