BP - Những ai quan tâm đến ngành nông nghiệp đều không khỏi lo lắng, băn khoăn trước những thông tin: tiêu không ra hoa hoặc rụng hoa hàng loạt, chôm chôm bị mất mùa, bọ xít muỗi tấn công vườn điều,... mặc dù các nhà vườn đã áp dụng và tuân thủ đúng khoa học - kỹ thuật. Các nhà khoa học và ngành chức năng đã vào cuộc kết hợp với kinh nghiệm của nhà vườn và đều cho ra một nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Cụm từ “biến đổi khí hậu” không còn xa lạ với người dân Bình Phước, bởi nó đã hiện hữu, gây ra thiệt hại không nhỏ tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Không thể quên mùa khô năm 2015-2016, Bình Phước rơi vào hạn hán nghiêm trọng, có ngày nhiệt độ lên tới 38,50C. Trên 30 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 26 ngàn héc ta cây lâu năm bị ảnh hưởng, trong đó hàng trăm héc ta cây trồng không thể phục hồi... Tổng thiệt hại lên đến trên 600 tỷ đồng. Ấy vậy mà chỉ vài tháng sau, mưa lại đổ xuống dồn dập, lượng mưa tăng hơn hẳn mọi năm. Mưa lớn kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các cây trồng chủ lực của Bình Phước như điều, tiêu, cao su... tại nhiều huyện, thị trong tỉnh. Bước sang năm 2017, thật lạ khi vào thời điểm tháng 1, tháng 2 lẽ ra là đỉnh điểm của mùa khô, nhưng Bình Phước lại đón nhận hàng loạt cơn mưa lớn nhỏ. Khó có thể gọi là trái mùa khi mưa diễn ra trên diện rộng, nhiều người đặt câu hỏi không biết là mùa khô hay mùa mưa. Mưa lớn kèm theo lốc xoáy, gió giật quật ngã hàng trăm ngàn nọc tiêu, cao su và các loại cây trồng khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 của Bình Phước tăng trưởng âm.
Báo Bình Phước đã có nhiều tin, bài phản ánh về dấu hiệu của biến đổi khí hậu, đó là thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt là những cơn mưa trái mùa dẫn đến năng suất, sản lượng trái cây của nhiều nhà vườn giảm so những năm trước, đồng thời làm chậm vụ khiến nhà nông không thể lường trước. Nắng mưa thất thường nên bệnh thán thư, bệnh cháy lá, khô hoa, khô cành thì bọ xít muỗi cũng xuất hiện trên cây điều, cây cao su, chôm chôm, sầu riêng... Chỉ tính ở xã Long Hà (Phú Riềng) đã có tới 1.500 ha điều bị bọ xít muỗi phá hoại. Đang vào thời điểm cây tiêu ra hoa đậu trái, nhưng trên địa bàn huyện Bù Đốp nhiều vườn tiêu xảy ra hiện tượng không ra hoa hoặc hoa bị rụng hàng loạt. Những nông dân có thâm niên và giàu kinh nghiệm trồng tiêu cho biết: Việc rụng hoa hàng loạt là do biến đổi khí hậu, vì loại cây này rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là sự thay đổi đột ngột, bất thường. Điều đáng lo ngại là nhiều hộ dân vẫn bất chấp định hướng và khuyến cáo của ngành chức năng ồ ạt xuống giống tiêu.
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam và tại Bình Phước đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời” là phương châm không bao giờ cũ trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và có trách nhiệm cao của các cấp, ngành, mọi người dân trong việc ứng phó, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để thích nghi và phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động dự phòng và khuyến cáo người dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do biến đổi khí hậu. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065