BPO - Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn có cuộc sống hòa bình để khôi phục, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Do vậy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có những nhân nhượng cần thiết để tránh cho dân tộc một cuộc chiến tranh. Song “chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Sau đó, chúng từng bước đánh chiếm nhiều nơi ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, rồi đưa quân ra Bắc Bộ, tiến tới xóa bỏ các Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước Việt- Pháp (14-9-1946), khiêu khích và tấn công quân sự, lần lượt đánh tái chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, ráo riết chuẩn bị lực lượng hòng nhanh chóng đánh chiếm cả nước. Chúng dự kiến sẽ đánh úp các cơ quan kháng chiến của ta tại Hà Nội, tiêu diệt bộ đội chủ lực và tự vệ chiến đấu ở các thành phố, thị xã; đồng thời, đánh chiếm những địa bàn chiến lược ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Nghiêm trọng hơn, ngày 18-12-1946, chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ và giành quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội.
Các tuyến phố Hà Nội biến thành chiến luỹ ngăn bước tiến của quân Pháp. |
Quyết tử quân với bom ba càng |
Tự vệ Thủ đô chiến đấu bảo vệ Hà Nội ngày 19-12-1946. Ảnh tư liệu. |
Thái độ ngang ngược của thực dân Pháp đã đưa Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những tình thế ngặt nghèo nhất, đòi hỏi sớm phải đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược để đưa cách mạng tiến lên. Theo đó, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), hạ quyết tâm phát động Toàn quốc kháng chiến và quyết định đánh trước để giành thế chủ động.
Quán triệt quyết tâm của hội nghị, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy chủ trương mở cuộc tổng tiến công vào các vị trí quân Pháp ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh, Huế, Đà Nẵng.... Đây là cuộc tổng tấn công do Đảng lãnh đạo nhằm phá tan âm mưu của thực dân Pháp, vừa tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, vừa giam chân chúng trong các thành phố, thị xã. Qua đó, ta tranh thủ được khoảng thời gian cần thiết phát động cả nước khẩn trương chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Sáng 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đưa ra dự đoán: “Chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng” và chỉ thị cho quân dân cả nước: “Tất cả hãy sẵn sàng” chiến đấu. Đến chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy ra lệnh cho bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang: “Giờ chiến đấu đã đến”.
Để kịp thời cổ vũ tinh thần kháng chiến, đêm ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gây gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đêm 19-12-1946 đến tháng 3-1947, bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô Hà Nội và các đô thị từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc đồng loạt nổ súng đánh địch.
Tại Thủ đô Hà Nội, các Tiểu đoàn 101, 77, 212, 145, 523 và các lực lượng khác ở nội, ngoại thành được nhân dân và các trung đoàn đứng chân trên địa bàn Sơn Tây, Hà Đông, Thái Nguyên… chi viện, đã tạo ra thế “trong ngoài cùng đánh”.
Tại các thành phố, thị xã khác như: Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng..., các đơn vị bộ đội chủ lực, tự vệ thành, công an xung phong đã phối hợp cùng nhân dân nội, ngoại thành tiến công các vị trí đóng quân của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị cơ động lực lượng, chủ động rút quân ra ngoại ô, lập phòng tuyến bao vây vòng ngoài, ngăn chặn quân Pháp đánh ra.
Cuộc chiến đấu của quân và dân ta giành được những thắng lợi lớn, bước đầu làm thất bại kế hoạch đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến ở Hà Nội, đòi lực lượng vũ trang ta hạ vũ khí; cách đánh tiêu hao, tiêu diệt và giam chân khiến quân địch bị sa lầy nhiều ngày trong các đô thị, tạo điều kiện cho Đảng, Chính phủ và nhân dân ta chuyển mọi hoạt động sang thời chiến.
Như vậy, quyết định chủ động tiến công của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây cho địch bất ngờ lớn, làm cho chúng mất thế chủ động ngay từ những ngày đầu chiến tranh. Chúng không những không thực hiện được ý đồ chuẩn bị trước, mà còn bị thiệt hại nặng, ý chí chiến đấu bị giảm sút. Chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” bị giáng đòn phủ đầu. Về phía ta, do chủ động tiến công địch, phát động toàn quốc kháng chiến, ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp với nhiều lực lượng tham gia, trong đó lực lượng vũ trang, bộ đội chủ lực làm nòng cốt, góp phần hạn chế ưu thế về vũ khí, trang bị hiện đại và khả năng cơ động của quân Pháp, qua đó giành lại thế chủ động.
Chủ động tiến công địch và phát động Toàn quốc kháng chiến trong điều kiện tương quan lực lượng còn bất lợi cho ta là một quyết định mang tính khoa học và cách mạng. Đó cũng là chủ trương đúng đắn, sáng suốt và táo bạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực dân Pháp đã bị bất ngờ trước sức tiến công mãnh liệt, dồn dập và đồng loạt của quân và dân ta ở đúng nơi chúng mạnh nhất. Hơn nữa, quân và dân ta nhờ có sự chuẩn bị chu đáo đã thực hành kiểu chiến tranh độc đáo, duy trì được cuộc chiến đấu dài ngày tại các thành phố, thị xã; tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, vây hãm chúng, buộc chúng phải tính toán lại, chuyển sang đánh lâu dài với ta. Đồng thời, quyết định đó cũng tạo điều kiện cho các đơn vị từ trung ương đến địa phương chủ động di chuyển cơ quan, kho tàng, máy móc, nguyên vật liệu... và tiêu khổ kháng chiến, tản cư nhân dân đến nơi an toàn, góp phần xây dựng thế trận để kháng chiến lâu dài.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065