Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng và điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho các nhóm đối tượng. Triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng… Các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh giúp người dân tích cực, chủ động phòng tránh.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vắc-xin và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 8-7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa tiêm vắc-xin bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch.
Hiện Đắk Nông có số ca mắc bệnh bạch hầu cao nhất khu vực Tây Nguyên (26 ca), tập trung ở 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk R’lấp. Ban đầu ngành y tế tỉnh này tập trung truy quét dịch tại các khu dân cư người Mông (trước đây thường xảy ra dịch), nhưng nay xuất hiện ở các khu dân cư khác nên không loại trừ dịch sẽ bùng phát ở bất cứ đâu. Trong khi nguồn lực của Đắk Nông không cho phép phòng ngừa trên diện rộng, trước mắt tỉnh này chỉ tiến hành khử trùng, tiêu độc, tiêm vắc-xin phòng ngừa tại các ổ dịch, khu vực nghi ngờ có dịch. Mặt khác, bệnh này chưa được loại trừ ở nước ta và người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Đến thời điểm này, Bình Phước chưa phát hiện ca mắc bệnh bạch hầu nào, nhưng là tỉnh giáp ranh với Đắk Nông nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Đắk Nông sang Bình Phước rất dễ xảy ra. Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan, ngoài thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất mong các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng chống, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời khi có trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, các đơn vị cần chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhất là phải ưu tiên tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh cho các nhân viên y tế nhằm chủ động trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065