Hậu quả từ “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên
Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, thay đổi trái với quy luật nhiều năm đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Toàn tỉnh đã xảy ra 58 đợt giông, lốc xoáy làm tốc mái, hư hỏng 225 căn nhà. Cụ thể, Bù Gia Mập 7 căn, Bù Đăng 30 căn, Bình Long 8 căn, Bù Đốp 43 căn, Hớn Quản 6 căn, Lộc Ninh 35 căn, Đồng Xoài 7 căn, Chơn Thành 3 căn, Phú Riềng 35 căn, Đồng Phú 21 căn và Phước Long 30 căn. Riêng huyện Phú Riềng làm chết 1 người, bị thương nặng 1 người. Giông lốc cũng gây hậu quả nặng nề với 582,76 ha cây trồng các loại, chủ yếu làm gãy đổ cao su, tiêu, điều và cây ăn trái; 13 ha lúa bị ngập sâu trong nước. Về chăn nuôi, thủy sản tuy không phải là thế mạnh nhưng 54,428 ha ao cá bị ngập cùng 2.527 con gà, heo, dê bị chết cũng khiến nhiều nông hộ điêu đứng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 khoảng 60,445 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh diễn tập tìm kiếm cứu nạn
Tuy quan tâm, sâu sát để ứng phó với tình hình thiên tai nhưng theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, công tác dự báo, cảnh báo hiện chưa đáp ứng yêu cầu PCTT ngày càng khắc nghiệt, bất ngờ, nhất là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, giông, lốc... Một số cơ quan, ban, ngành chưa chú trọng phòng ngừa thiên tai, chủ yếu ứng phó khẩn cấp khi đã xảy ra. Một số nơi thực hiện nhiệm vụ còn rời rạc mà chưa phối hợp, hiệp lực chặt chẽ. Việc cập nhật thông tin thiên tai từ Văn phòng thường trực PCTT&TKCN tỉnh tới các thành viên ban chỉ đạo triển khai thường xuyên, liên tục nhưng chưa hỗ trợ công cụ, trang thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ. Việc chỉ đạo tại cơ sở cũng còn hạn chế nên chưa đạt kết quả tối ưu.
Gắn phát triển kinh tế, xã hội với phòng, chống thiên tai
Thiên tai luôn ảnh hưởng trực tiếp, gây hậu quả nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc PCTT phải mang tính tổng hợp, kết hợp hài hòa giữa công trình và phi công trình, hướng tới đa mục tiêu, vừa đáp ứng PCTT vừa gắn liền phát triển kinh tế, xã hội. Công trình PCTT phải lồng ghép vào chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội để tăng hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài và phù hợp với khả năng kinh tế của tỉnh.
Thời gian qua, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn vẫn chủ yếu là công an, quân đội, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ và đoàn thanh niên... mà chưa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đơn cử năm 2018, 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia diễn tập đã trở thành lực lượng nòng cốt sửa chữa nhà, dựng lại vườn tiêu, dọn dẹp cây trồng bị gãy đổ, cải tạo lại vườn, ao, chuồng giúp dân sớm ổn định cuộc sống. Trong khi đó, nếu phát huy được nguồn lực cứu nạn tại chỗ, đảm bảo tính chuyên nghiệp thì việc ứng phó sẽ kịp thời hơn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Toàn tỉnh hiện có 72 công trình thủy lợi, trong đó 64 hồ chứa, 6 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn. Năm 2018, Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN kiểm tra 55 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác. Qua kiểm tra, đoàn nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập. Đó là trước ngưỡng đập tràn xả lũ đất bồi lắng, nhiều cỏ cây phủ; ống lấy nước bị rò rỉ; mặt đập kết hợp giao thông xuống cấp, nhiều ổ gà gây đọng nước; đường xuống đập bị xói lở, mái đập thượng và hạ lưu nhiều cây bụi; hệ thống kênh tưới xuống cấp, lòng kênh bồi lắng... Vì thế, chưa đáp ứng việc điều tiết phòng lũ cho hạ du và tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, 17 công trình ngoài ngành và địa phương quản lý nhìn chung được quản lý, khai thác đúng quy định, đảm bảo an toàn.
Năm 2017, tỉnh đầu tư lắp đặt 12 trạm đo mưa tự động. Từ đó đã cung cấp dữ liệu cường độ mưa tại các điểm đặt thiết bị chính xác, vận hành liên tục, tự động, không chỉ khai thác dữ liệu phục vụ chuyên môn mà còn giúp người dân có nhu cầu truy cập, nhận thông tin lượng mưa dự báo, cảnh báo để chủ động phòng, tránh thiệt hại do mưa lớn gây ra. Tuy nhiên, mật độ trạm đo mưa thấp, đặc biệt tại xã vùng sâu, xa, nơi có địa hình phức tạp thì mạng lưới điểm đo mưa chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét.
Khắc phục khó khăn vì mục tiêu lâu dài
Lực lượng PCTT&TKCN tại cơ sở không những chưa được tập huấn chuyên nghiệp, bài bản mà chủ yếu kiêm nhiệm nên lúng túng trong PCTT và chậm xử lý cũng như kéo dài thời gian khắc phục hậu quả. Một số nơi chính quyền, người dân cũng chưa nâng cao ý thức PCTT. Trong khi đời sống của một số hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhiều khó khăn, lại ảnh hưởng phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế nên còn sống tập trung ở ven các sông, suối. Khi có lũ, lũ quét, sạt lở đất rất dễ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của các hộ này. Đây chính là những tồn tại cần sớm khắc phục.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, không an toàn trong mùa mưa rất cần được sửa chữa, nâng cấp nhưng hiện vẫn khó khăn về vốn đầu tư. Cụ thể, hồ Bàu Úm, Suối Lai, huyện Hớn Quản; hồ Thọ Sơn, Sơn Phú, Đa Bo, Ông Thoại, huyện Bù Đăng; hồ Bình Hà I, Bàu Sen, huyện Bù Gia Mập. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tổ chức tập huấn PCTT.
Năm 2019, thời tiết được dự báo khốc liệt và diễn biến khó lường. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động các cấp, ngành và người dân bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Sử dụng cả ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức bà con. Bên cạnh đó, ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức chung tay, góp sức người, sức của PCTT...
Song song đó, để đáp ứng yêu cầu TKCN trong mùa mưa lũ năm 2019, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận sử dụng nguồn quỹ PCTT tỉnh mua sắm vật tư dự phòng, trang bị 2 ca nô 115 HP, 1.300 áo phao các loại, dây dù, đèn pin, loa cầm tay cùng nhiều vật tư dự phòng phục vụ công tác an toàn hồ chứa... tại 11 huyện, thị xã và thành phố. Đặc biệt, mua các trang thiết bị phục vụ kết nối trực tuyến đến Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương. Khái toán kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng... Đồng thời, kết hợp phát huy sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nhất là sự chủ động từ cơ sở sẽ ứng phó linh hoạt và kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065