Bố trí cán bộ đúng nhằm phát huy năng lực công tác của cán bộ, nâng cao hiệu quả công việc, nhưng bố trí sai có khi gây lãng phí nhân tài, thui chột năng lực đóng góp của họ và nguy hiểm hơn có khi lại tạo điều kiện cho họ sa vào tiêu cực, tham nhũng.
Thực tế hiện nay, những quy định về trách nhiệm đối với cá nhân làm công tác liên quan đến cán bộ chưa rõ ràng, cụ thể, mà chỉ nói chung chung. Thành ra, việc đề bạt đúng thì không biết do công của ai, nếu đề bạt sai, nhầm phần tử xấu cũng không biết trách nhiệm thuộc về người nào. Việc đánh giá cán bộ chưa thật khách quan, khoa học và bài bản, từ đó tạo kẽ hở cho tiêu cực từ công tác cán bộ. Nhiều đồng chí lãnh đạo hiểu cán bộ của mình chủ yếu qua các cuộc hội nghị, nghe những bài phát biểu của họ, nếu có đi cơ sở thì chủ yếu cũng là họp hành trong phòng mà chưa xuống dân để kiểm chứng tình hình và nghe dân nói.
Công tác cán bộ đúng là “chuyện tế nhị và nhạy cảm”, bởi có đồng chí nắm cán bộ qua các mối quan hệ thân quen, ai thường xuyên “gần gũi” hoặc có mối quan hệ công việc thường xuyên gắn với con người đó thì hiểu họ nhiều hơn so với người khác. Còn những ai “không biết” lấy lòng thủ trưởng hoặc ít có điều kiện tiếp xúc, hay chỉ biết làm chứ không biết ăn nói, có khi lại bị thiệt thòi, thậm chí gặp nhiều phiền phức.
Trong lúc đó, tác phong của cán bộ làm công tác cán bộ không sâu sát nên chưa làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy. Cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm không phải là không ai biết. Nhiều trường hợp có dư luận, đơn thư khiếu nại, tố cáo không ít, nhưng lắm lúc lãnh đạo và tổ chức chưa chú ý lắng nghe hoặc nếu biết thì chỉ thẩm tra sơ sài rồi bỏ qua. Sau những vụ việc cán bộ sai phạm, người dân thắc mắc, việc bổ nhiệm một cán bộ phải qua rất nhiều công đoạn thẩm tra, giám sát, trong đó có ban tổ chức, bảo vệ nội bộ, ủy ban kiểm tra, ban cán sự, đảng ủy khối đến cơ quan quản lý ngành dọc, nhận xét của chi bộ nơi cư trú… nhưng chẳng hiểu sao vẫn để cán bộ không đủ chuẩn, chất lọt vào bộ máy? Do vậy, trong công tác tổ chức cán bộ, cần quy trách nhiệm rõ ràng và cần có sự ghi chép đầy đủ: ai giới thiệu, ai tán thành, ai không đồng ý… Trong tập thể lãnh đạo cũng vậy, ai biểu quyết đồng ý, ai không chấp nhận, nhất là ý kiến phản biện hay ý kiến còn băn khoăn… Những câu hỏi đó lâu nay ít ai được biết và cũng không rõ ràng, minh bạch nên muốn xử lý ai cũng khó.
Hãy thử đặt vấn đề, nếu làm chặt chẽ thì một thời gian sau nhìn lại, chúng ta có thêm cơ sở đánh giá: ai giới thiệu được nhiều cán bộ tốt, có thể biết đó là lãnh đạo hoặc cán bộ tổ chức công tâm, có quan điểm, phương pháp đánh giá cán bộ đúng. Ngược lại, ai giới thiệu đề bạt những người kém, xấu thì có thể biết đó là cán bộ tham mưu hay người lãnh đạo quan liêu, thậm chí có động cơ không trong sáng.
(Theo SGGP)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065