BP - Chưa bao giờ tần suất và mức độ vi phạm của giới báo chí lại đáng báo động như trong thời gian gần đây. Từ đầu năm 2017 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa, tống tiền người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả quan chức cấp tỉnh. Vụ phóng viên Lê Duy Phong của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bị cơ quan công an bắt vì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ở Yên Bái chưa lắng xuống thì cách đây 1 tuần, lại đến vụ 2 phóng viên ở Nghệ An sử dụng xe ôtô gắn biển số giả bị cảnh sát giao thông huyện An Khê, tỉnh Gia Lai phát hiện và tạm giữ. Tiếp đến là Công an thành phố Cần Thơ bắt quả tang Phạm Lê Hoàng Uyển (1976), phóng viên của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập, đang nhận 280 triệu đồng của doanh nghiệp để “gỡ bài”.
Về nguyên tắc, dù là ai, đã vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật. Thế nhưng trong nghề báo, không phải chỉ những kẻ lợi dụng danh nghĩa nhà báo để đe dọa, tống tiền như đã kể trên mới là vi phạm đạo đức báo chí. Là nghề với chức năng cung cấp thông tin, giáo dục và định hướng dư luận xã hội thì quan điểm và cách thức đưa tin của nhà báo cũng đã thể hiện rõ đạo đức nghề nghiệp, chưa cần đến việc tống tiền, nhận hối lộ. Trong bài này, người viết chỉ muốn đề cập đến khía cạnh “đạo đức” thông qua thái độ của người làm báo khi đưa tin về những vấn đề mang tính xã hội mà đôi khi chỉ xem lướt, đọc lướt, độc giả rất dễ bỏ qua.
Tại Bình Phước, hẳn nhiều người chưa quên 7 năm trước, khi cán bộ, nhân dân trong tỉnh đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Lễ hội Quả điều vàng, Công ty Công trình đô thị thị xã Đồng Xoài cũng ra quân cắt tỉa một số cành cây ở khu vực quảng trường tỉnh để tạo không gian thoáng phục vụ trang trí lễ hội. Việc làm ấy tưởng rất bình thường, thế nhưng ngay thời điểm đó, trên một tờ báo xuất hiện thông tin “Bình Phước chặt phá cây xanh để làm lễ hội”. Không biết vì động cơ gì, người viết bản tin ấy lại có cái nhìn méo mó đến vậy? Ấy thế mà đã có không ít báo mạng sử dụng lại bản tin đó khiến sự việc trở nên ồn ào. Thậm chí khi tiếp xúc cử tri, một số đại biểu còn bị cử tri chất vấn vì sao lãnh đạo tỉnh lại chỉ đạo chặt phá cây để làm lễ hội?!
Với những kẻ chống phá ở hải ngoại và những “nhà dân chủ” trong nước, không gì lý tưởng hơn là chất liệu từ những bài báo, trang mạng với giọng điệu suy diễn đó. Chúng mượn con bài chống tham nhũng, ra sức kêu gọi “thực hiện dân chủ”, kích động gây rối để chống chính quyền, bôi nhọ công an, đánh vào niềm tin của người dân với cơ quan công quyền. |
Rồi mới tháng 6 năm ngoái, trên địa bàn xã Long Hà, huyện Phú Riềng xảy ra việc công an bắt tội phạm. Sau một hồi giằng co với công an để giải thoát cho con trai, người đàn ông 77 tuổi, là cha của người có lệnh bắt đã lên cơn đau tim đột ngột và sau đó tử vong. Thế nhưng ngay lập tức, trên các trang mạng và thậm chí cả một số tờ báo chính thống đã tràn ngập thông tin “Bình Phước: Công an bắn chết cụ ông 77 tuổi”, “Xô xát với công an, cụ ông bị bắn chết”, “Công an bắn chết người chạy trốn khỏi hiện trường”... Ngược về thời gian trước, khi Bình Phước tổ chức thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, do việc xử lý tình huống ở một vài nơi chưa tốt nên có tình trạng người dân trong diện bị thu hồi đất gửi đơn “kêu cứu” đến một số tòa soạn báo. Kết quả là đã diễn ra tình trạng “đánh hội đồng” khi hàng loạt tờ báo cùng thời điểm đưa tin về việc thu hồi đất ở Bình Phước, nhưng chỉ đưa tin một chiều do người dân cung cấp, chứ chưa có sự điều tra kỹ và phỏng vấn lãnh đạo tỉnh. Việc làm đó đã tạo nên một hiệu ứng rất xấu trong việc giải quyết vấn đề thu hồi đất khi người dân cứ viện cớ “báo viết là đúng, là có thật”... Đó là một vài vụ việc đã diễn ra trên địa bàn tỉnh. Còn trên phạm vi cả nước thì hằng ngày, hằng giờ đang diễn ra tình trạng thông tin bị bóp méo dưới cái nhìn phiến diện của những người mang danh nhà báo và những nhà báo chân chính thường gọi họ là những “lều báo”, “chòi báo”. Hậu quả là những thông tin phiến diện, một chiều ấy được các báo, tạp chí và những trang mạng phản động ở nước ngoài lợi dụng trích dẫn, cắt xén, nhào nặn thành những bài viết nói xấu Đảng, nói xấu chế độ và xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta một cách nguy hại.
Trở lại vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong, dù còn phải chờ kết luận điều tra và những phán quyết của tòa án, song trên một số tờ báo đã có những bài viết theo kiểu “mượn gió bẻ măng”. Từ vụ án bắt tạm giam một nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để tống tiền, nhiều bài viết đã suy diễn, xuyên tạc sang vấn đề khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan bảo vệ pháp luật và tính nghiêm minh của kỷ cương phép nước. Một số tờ báo và mạng xã hội đã khai thác sự việc theo hướng cho rằng vì nhà báo viết bài về các “biệt phủ” của một số nhân vật tại Yên Bái nên bị “gài bẫy”. Có tờ báo còn cho rằng công an thành phố Yên Bái tạo dựng chứng cứ để “trị” nhà báo Lê Duy Phong. Trên cơ sở đó, nhiều facebooker đề nghị “tổng tấn công Yên Bái”. Theo đó, những vấn đề đã cũ cũng được đào xới lại. Có trang mạng còn mượn chuyện những “biệt phủ” của quan chức Yên Bái hiện nay để lý giải vì sao lại xảy ra vụ nổ súng ở Yên Bái hồi năm ngoái. Và khi luồng thông tin bị đẩy lệch quá xa như vậy, không chỉ người dân Yên Bái mà cả nước như đứng trước “mê hồn trận”. Mở mạng xem báo, xem facebook là có vô số tin bài nội dung “Công an Yên Bái gài bẫy bắt nhà báo”. Rồi xâu chuỗi một số vụ việc liên quan đến sai phạm của công an ở một số địa phương trước đây để quy kết “công an dùng bẫy thay nghiệp vụ, thay luật pháp”...
Vẫn biết khi một nhà báo rơi vào vòng lao lý - là đồng nghiệp ai cũng sẽ xót xa, trăn trở với bổn phận nghề báo mà mình theo đuổi. Nhưng cho dù xót xa đến mấy thì với trách nhiệm xã hội của mình, những nhà báo chân chính vẫn không thể nói khác sự thật. Bởi chỉ cần một chút suy diễn, bình luận theo hướng tiêu cực thì những bài báo tưởng chừng là vũ khí chống tiêu cực sắc bén lại sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để những kẻ cơ hội chính trị chống lại Đảng, Nhà nước, chống lại chính chúng ta.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065