Sáng ra, còn đang ngon giấc thì cái điện thoại đã báo thức inh ỏi. Bực mình vì phải dậy sớm hơn mọi khi nhưng nếu vợ không cẩn thận cài chuông báo thức chắc tụi nhỏ đã bị trễ học rồi. Còn đang tìm đôi vớ chả hiểu lạc mất đâu một chiếc thì đứa nhỏ la oai oái sao kem đánh răng của con không còn miếng nào, đứa lớn réo sao không tìm thấy áo đồng phục. Hai bố con bới tung tủ quần áo mới lòi ra cái áo đồng phục nhăn nhúm. Có vợ ở nhà, áo quần đi làm, đi học của mấy cha con luôn được vợ ủi sẵn treo lên từ đêm trước, càng không lo chuyện ăn sáng vì vợ đã dậy trước chuẩn bị, mấy cha con ngủ dậy chỉ việc vệ sinh xong là ăn thôi. Vợ đi vắng, chồng đưa các con ra tiệm phở đầu đường cho tiện. Suýt tí là cả nhà trễ giờ!
Hết 8 tiếng ở cơ quan tạm quên vai trò “ông già làm nội trợ”, chồng phải ba chân bốn cẳng đến trường đón con. Luồn lách đủ kiểu để không bị kẹt xe vậy mà đến nơi vẫn bị hai cục cưng càm ràm “sao bố đến trễ vậy?” Về nhà, chưa kịp thay đồ bọn trẻ đã than đói bụng. Chồng để nguyên bộ đồ công sở đi bắc nồi cơm, hâm lại nồi thịt kho tàu vợ kho sẵn để trong tủ lạnh, nấu thêm nồi canh là xong. Nghe dễ dàng vậy mà khi ăn mới thấy nấu mỗi nồi canh cũng chẳng hề đơn giản. Thằng bé cứ bảo sao rau bố nấu vàng khè, không xanh như rau mẹ nấu, thằng lớn thì khịt mũi hỏi “sao canh bố nấu có mùi kỳ kỳ?”.
Mãi nó mới phát hiện bố quên bỏ hành và tiêu, những chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại khiến tô canh hấp dẫn hơn. Chồng bảo “canh nào chả là canh” nhưng nó khăng khăng “canh mẹ nấu ngon hơn bố!” Đã vậy, hò hét lẫn hăm doạ đủ kiểu tụi nhỏ mới chịu ăn nhanh cho. Vậy mà mọi ngày nghe vợ ra rả nhắc con ăn cơm, mình cứ bảo vợ việc gì phải càm ràm bọn trẻ suốt. Đứng rửa chén mà chồng tự nhắc mình không được quên giặt đồ nếu không muốn biến mấy bộ đồ thành… yaourt!
Lúc dạy con học mới gay go. Thằng lớn học bài, chốc chốc lại hỏi bố. Mấy bài toán lớp 6 làm chồng toát mồ hôi hột, người lớn mà còn có cảm giác bị đánh đố huống gì bọn trẻ. Vật vã một hồi cũng xong, nhưng cảm giác nuối tiếc khi không được nằm khểnh xem ti vi hay đọc báo như mọi khi cũng không bằng khi nghe cậu quý tử kết luận lúc gấp sách vở lại: “Mẹ giải bài còn nhanh hơn bố!”
Chợt nghĩ sao nể vợ quá chừng, bao nhiêu việc lớn nhỏ trong ngoài vô tay vợ đều trơn tru, đâu ra đó, còn chồng, hoạ có ba đầu sáu tay mới cáng đáng hết. Vậy mà trước giờ chồng chỉ biết nộp đủ lương là xem như xong trách nhiệm, để mặc vợ chạy đua mỗi ngày với vô số việc có tên lẫn không tên. Nhưng mới nghĩ đến việc chia sẻ việc nhà với vợ để lấy lại hình ảnh người cha thân yêu trong mắt bọn trẻ, chồng đã thấy rùng mình! Mới có mấy ngày không em mà chồng đã muốn chóng mặt rồi.
Về mau nhé, vợ ơi!
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065