Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phát động từ năm 1996. Các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học do Bộ GD-ĐT ban hành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bao gồm 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Ở Bình Phước, phong trào xây dựng trường đạt CQG được triển khai từ năm 1997, đã góp phần quan trọng cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Ngành giáo dục tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế về chất lượng giáo dục thông qua việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học. Để làm được điều đó cần sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết, cản trở đường về đích của nhiều trường trong quá trình xây dựng đạt CQG.
>> Bài 1: Muôn vàn khó khăn xây dựng trường chuẩn
>> Bài 2: Từng bước khẳng định vị thế trong ngành giáo dục
Bài 3: Xã hội hóa giáo dục - Bài toán giải quyết kinh phí hiệu quả
Ngoài việc khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, các trường trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều cách làm hay để phấn đấu đưa trường đạt chuẩn quốc gia (CQG). Trong đó, xã hội hóa (XHH) giáo dục là một trong những cách làm hiệu quả, góp phần đưa các trường về đích nhanh, bền vững.
Thư viện xanh của trường Tiểu học Tân Phú được xây dựng từ nguồn xã hội hóa
Xã hội hóa giúp xây trường dễ hơn
Từ trước đến nay, kinh phí vẫn là bài toán khó đối với ngành giáo dục trong quá trình xây dựng trường đạt CQG. Những năm gần đây, bài toán này được các trường giải quyết bằng phép tính XHH. Bù Gia Mập là huyện khó khăn nhất của tỉnh, nhưng bằng nguồn lực XHH, ngành giáo dục huyện từng bước xây dựng được các trường đạt CQG. Toàn huyện hiện có 6/73 trường đạt CQG. Thầy Ngô Liền, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập khẳng định: “Đạt được kết quả trên nhờ sự đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là XHH việc xây dựng cơ sở vật chất trường học”.
Đánh giá cao nguồn XHH đầu tư cho công tác giáo dục, cô Chu Thị Huệ, Hiệu trưởng trường THCS Bù Nho (xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập) chia sẻ: “Những năm đầu, trường huy động kinh phí xây dựng bằng cách thu theo đầu học sinh. Cách làm này không hiệu quả và tạo gánh nặng cho những gia đình có nhiều con đi học và hộ nghèo. Khi UBND tỉnh có chủ trương cho huy động nguồn XHH tự nguyện, thì việc huy động kinh phí xây trường học trở nên dễ dàng hơn. Nhưng để huy động được nguồn kinh phí, trước hết trường phải xây dựng “thương hiệu” cho mình. Muốn vậy trường phải chứng minh bằng chất lượng đào tạo”.
Cô Huệ cho biết thêm: “Nhiều năm qua, trường có những biện pháp giúp các gia đình giám sát việc học ở nhà của học sinh. Cụ thể, trường phối hợp với hội phụ huynh đến từng nhà kiểm tra việc học của các em. Công đoàn, đoàn trường cũng phân công đoàn viên đến các gia đình học sinh tìm hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ kịp thời các hộ khó khăn”.
Công khai, minh bạch nguồn xã hội hóa
Để duy trì và phát huy tốt nguồn XHH, mọi khoản vận động từ nhân dân, phụ huynh, doanh nghiệp phải được công khai, minh bạch. Cô Đỗ Thị Tâm, Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Riềng B (xã Phú Riềng, Bù Gia Mập) chia sẻ: “Phụ huynh và các mạnh thường quân khi đóng góp đều muốn biết số tiền được sử dụng như thế nào. Hiểu được tâm lý này, mọi công trình trường xây dựng từ nguồn kinh phí XHH đều giao hội phụ huynh đứng ra mời chủ thầu và tự giám sát; trường chỉ thiết kế, nghiệm thu và sử dụng”.
Nhờ làm tốt công tác này, từ năm 2009 đến nay, trường Mầm non Phú Riềng B đã vận động được trên 500 triệu đồng xây dựng các công trình phục vụ dạy và học. Từ nguồn vốn này, trường đã có sân chơi, đồ chơi, nhà xe... Trong năm học 2013-2014, trường sẽ đón nhận danh hiệu CQG mức độ I. Còn trường THCS Bù Nho, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm vận động XHH được hơn 100 triệu đồng. Năm 2013, từ nguồn XHH, trường đã xây dựng được 744m2 sân trường và mua 9 máy chiếu phục vụ giảng dạy, học tập. So với 5 tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn, THCS Bù Nho đã đạt 4 tiêu chí, 1 tiêu chí còn lại (cơ sở vật chất) chưa đạt là do trường còn thiếu 4 phòng học chức năng với kinh phí đầu tư lớn. Năm 2014, UBND huyện sẽ đầu tư xây dựng để trường đạt CQG.
Những công trình thiết thực từ nguồn Xã hội hóa
Nhờ làm tốt công tác XHH giáo dục nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã sớm “cán đích” đạt CQG. Từ nguồn vận động XHH, nhiều công trình thiết thực đã được các trường xây dựng phục vụ công tác dạy và học tốt hơn. Ngoài các công trình của trường Mầm non Phú Riềng B, phải kể đến 9 máy chiếu (15 triệu đồng/máy) được trang bị phục vụ công tác dạy và học tại trường THCS Bù Nho.
Thầy Nguyễn Khắc Chuẩn, giáo viên dạy môn Hóa trường THCS Bù Nho cho biết: “Sau khi nhà trường đầu tư máy chiếu từ nguồn XHH, công tác dạy và học môn Hóa và các môn khác hiệu quả hơn. Bởi môn Hóa có nhiều mô hình, thí nghiệm, nếu tự làm thì giáo viên cần nhiều thời gian, lại tốn kinh phí và tỷ lệ thành công không cao. Trong khi đó, học máy chiếu có thể sử dụng hình ảnh động, giúp học sinh dễ quan sát, hiểu nhanh và sâu. Hơn nữa, áp dụng máy chiếu vào giảng dạy giúp giáo viên triển khai được những dạng bài tập trắc nghiệm”.
Trong khi đó, trường Tiểu học Tân Phú (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) lại sử dụng nguồn XHH để xây dựng thư viện xanh, tạo không gian đọc sách thoải mái tại sân trường vào mỗi giờ nghỉ giải lao cho học sinh. Cô Hà Thị Thảo, Hiệu trưởng cho biết: “Năm 2013, trường đã vận động trên 100 triệu đồng từ nguồn XHH, trong đó đã xây dựng một thư viện xanh gần 40 triệu đồng. Thư viện gồm có kệ để sách, nền lát gạch và ghế đá... Tất cả đều từ nguồn đóng góp của phụ huynh và mạnh thường quân”
Hương - Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065