Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phát động từ năm 1996. Các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học do Bộ GD-ĐT ban hành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bao gồm 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Ở Bình Phước, phong trào xây dựng trường đạt CQG được triển khai từ năm 1997, đã góp phần quan trọng cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Ngành giáo dục tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế về chất lượng giáo dục thông qua việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học. Để làm được điều đó cần sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết, cản trở đường về đích của nhiều trường trong quá trình xây dựng đạt CQG.
Bài 1: Muôn vàn khó khăn xây dựng trường chuẩn
Toàn tỉnh hiện có 66 trường đạt CQG, chiếm 15% trong tổng số 435 trường ở 4 cấp học. Theo lộ trình, đến năm 2015 toàn tỉnh phấn đấu có 70% trường đạt CQG. Tuy xuất phát điểm xây dựng trường đạt CQG thấp, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự cố gắng của toàn ngành giáo dục, đến nay Bình Phước đã có một bước tiến dài trong xây dựng trường chuẩn.
Năm 1997, Bình Phước xây dựng trường chuẩn quốc gia với xuất phát điểm thấp; Ảnh: Một lớp học tại trường Tiểu học Nha Bích, huyện Chơn Thành
Xuất phát điểm thấp
Thầy Huỳnh Công Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Sau khi tái lập tỉnh Bình Phước (1997), ngành giáo dục bắt đầu triển khai xây dựng trường CQG theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Thời điểm đó, toàn tỉnh có gần 400 phòng học tạm và thiếu hơn 1.000 giáo viên, trong đó mầm non thiếu 125 giáo viên, tiểu học thiếu 790 giáo viên, THCS thiếu 621 giáo viên và THPT thiếu 85 giáo viên. Mạng lưới trường, lớp học phân bổ nhỏ lẻ theo các cụm, tuyến dân cư, không theo quy hoạch. Trong số hơn 146 trường thuộc các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) không có trường nào đạt CQG”.
Xác định GD-ĐT là chính sách ưu tiên hàng đầu nên ngay từ đầu, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã xây dựng đề án phát triển giáo dục theo 2 giai đoạn, từ năm 1997 đến 2010, từ năm 2010 đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, hàng năm Sở GD-ĐT chủ động tham mưu với các cấp lãnh đạo và chỉ đạo các phòng giáo dục huyện, thị xã có kế hoạch xây dựng trường đạt CQG với lộ trình cụ thể. Định kỳ hàng tháng, phòng GD-ĐT báo cáo tiến độ xây dựng và những khó khăn, vướng mắc để sở và UBND các huyện, thị có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Thầy Khanh cho biết thêm: “Xây dựng trường đạt CQG không đơn giản. Một trường để được công nhận CQG phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó cơ bản nhất là cơ sở vật chất và chất lượng chuyên môn. Bình Phước là tỉnh nghèo, trình độ dân trí thấp. Vì vậy, việc xây dựng trường đạt chuẩn là một thử thách lớn đối với ngành giáo dục. Tuy nhiên, để đến được đích không nên xây dựng trường chuẩn đại trà mà cần tập trung có trọng điểm. Xây dựng đến đâu phải đạt chất lượng đến đó, không chạy theo bệnh thành tích”. Để làm được điều đó, hàng năm Sở GD-ĐT tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo huyện, thị cân đối ngân sách, phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có trọng điểm đối với các trường xây dựng CQG; tổ chức cho lãnh đạo các xã, phường, thị trấn, lãnh đạo trường đi tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn tại các đơn vị trong và ngoài tỉnh...
Năm 1997, tỉnh Bình Phước bắt đầu xây dựng trường đạt CQG với xuất phát điểm gần 400 phòng học tạm
Và những khó khăn
Thầy Huỳnh Công Khanh cho rằng: “Khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường đạt CQG là kinh phí. Thực tế, nhiều trường học đã chủ động phấn đấu đạt các tiêu chuẩn về chuyên môn, chất lượng dạy và học... từ nhiều năm nay vẫn chưa đạt chuẩn vì thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Điển hình là trường THPT Phước Bình (TX. Phước Long) đạt chuẩn về chất lượng hơn một năm qua, nhưng vì thiếu cơ sở vật chất nên vẫn chưa được công nhận là trường CQG. Theo thầy Khanh: “Trước đây, khi Bình Phước chưa tách, tỉnh Sông Bé cũ được chia làm 2 vùng: Vùng thấp (nay là tỉnh Bình Dương) và vùng cao (nay là tỉnh Bình Phước). Lúc đó, cơ sở vật chất cho giáo dục được tỉnh Sông Bé ưu tiên đầu tư cho vùng thấp. Ở vùng cao trường được xây dựng không theo thiết kế, quy hoạch cụ thể, chủ yếu xây phòng để duy trì việc dạy và học. Vì vậy, khi xây dựng trường đạt CQG, Bình Phước đối diện với rất nhiều khó khăn. Hầu hết phòng học không đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
Ngoài cơ sở vật chất yếu kém, ngành giáo dục Bình Phước còn gặp khó khăn bởi đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn lúc đó chưa được 50%. Sau 4 năm triển khai thực hiện, ngành giáo dục của tỉnh đã xây dựng được trường đạt chuẩn đầu tiên là trường Tiểu học Tân Phú (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài). Và sau 17 năm phấn đấu, đến nay toàn tỉnh đã có 66 trường đạt CQG trong tổng số 435 trường. Thầy Khanh đánh giá, đây là con số không lớn nhưng với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bình Phước là kết quả đáng khích lệ.
Hương Sơn
Bài 2: Từng bước khẳng định vị thế trong ngành giáo dục.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065