TRĂM DÂU...
Năm học 2019-2020, Trường mầm non Hoa Phượng, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài có 450 trẻ được biên chế thành 14 lớp từ khối lớp nhóm đến khối lớp lá. Với số trẻ đang theo học đó, trường còn thiếu 1 giáo viên theo quy định tại Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Năm học này, trường còn phải cắt giảm 5 trong tổng 8 cô cấp dưỡng. Để đảm bảo chất lượng giáo dục và an toàn cho mọi hoạt động ăn, học, ngủ, nghỉ, nô đùa của trẻ từ sáng đến chiều thì có vô số việc phải làm cần đến tiền... Tiền ăn, tiền bán trú, tiền phục vụ, tiền vệ sinh, tiền mua đồ dùng cá nhân, tiền cấp dưỡng... Chưa nói đến hoạt động giáo dục, chỉ với ngần ấy công việc bắt buộc trường phải đụng đến tiền, đụng đến việc hợp đồng thuê nhân công lao động mới đảm bảo việc dạy và học.
Cắt 5 hợp đồng cấp dưỡng, trường buộc phải hợp đồng thêm 5 cấp dưỡng ngoài biên chế để lo bữa ăn hằng ngày của trẻ. Công thuê lao động quét dọn nhà vệ sinh chỉ 3,1 triệu đồng/người/tháng. Tiền hợp đồng mỗi cô cấp dưỡng cũng chỉ ở mức 3 triệu đồng/tháng. Sau 14 năm gắn bó với công việc cấp dưỡng ở Trường mầm non Hoa Phượng, mức lương của chị Đỗ Thị Dinh chỉ có 3,6 triệu đồng/tháng. Tranh thủ làm thêm việc dọn vệ sinh, lau chùi bếp, trường, lớp phục vụ từ sáng đến chiều ở trường mỗi ngày thì tổng thu nhập của chị cũng chỉ ở mức 4,902 triệu đồng/tháng. Dù vậy, những cô cấp dưỡng vẫn hài lòng với công việc đang làm. Theo quy định, giáo viên đứng lớp tối đa 8 tiết/ngày. Thế nhưng hầu hết 30 giáo viên của trường buổi trưa phải ở lại lớp để trông coi các cháu ngủ. Thời gian dành cho gia đình chỉ có sáng sớm hoặc chiều tối sau khi phụ huynh đón trẻ. Mức lương bình quân của các cô có thâm niên cao cũng chỉ dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Chỉ cần một chút sơ suất, ngay lập tức các cô nhận lời chỉ trích, thậm chí cả những lời cay độc.
Năm học này, Trường tiểu học Tân Bình B có 670 học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5, trong đó 495 em ăn bán trú. Bước vào năm học mới, trường không chỉ thiếu 2 giáo viên đứng lớp mà còn thiếu cả hệ thống phòng chức năng và nhà ăn bán trú cho học sinh cũng phải tận dụng phòng y tế học đường. Trước tình thế bệnh dịch tả heo châu Phi, trường buộc phải thay đổi phương thức tìm nguồn cung cấp thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh bán trú. Tính tới, tính lui mỗi suất ăn tổng chi 24.000 đồng. “Hiện vẫn chưa có hướng dẫn các khoản thu phục vụ lớp ăn bán trú và lớp 2 buổi. Để có kinh phí, chúng tôi đã họp phụ huynh xin tạm ứng 1 triệu đồng đối với học sinh học 2 buổi và 1,5 triệu đồng đối với học sinh ăn bán trú. Vẫn biết rất khó nhưng phải tạm ứng, nếu không thì ngưng lớp bán trú sẽ gây khó cho phụ huynh đưa đón con em 2 lượt trong ngày” - cô Đào Thị Thuyên, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Tân Bình B cho hay.
ĐỤNG ĐÂU CŨNG VƯỚNG
Năm học 2019-2020, thành phố Đồng Xoài có 27.725 học sinh với 782 lớp, nhóm từ cấp mầm non đến THCS, tăng 26 lớp với 1.001 học sinh so với năm học trước. Tỷ lệ nghịch với số lượng học sinh tăng sau mỗi năm học thì số biên chế thầy, cô giáo lại giảm.
Từ năm học 2016-2017 đến nay, tổng số giáo viên thành phố đã giảm 99 thầy, cô giáo đứng lớp. Năm học này, thành phố có 1.085 giáo viên đứng lớp. Nếu tính theo số lượng học sinh hiện tại, khối mầm non của thành phố Đồng Xoài còn thiếu 69 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 91 giáo viên, cấp THCS thiếu 23 giáo viên do tăng 13 lớp ở cấp học này. Từ việc thiếu giáo viên dẫn đến tình trạng số lượng học sinh mỗi lớp đều cao hơn mức quy định chung 35 học sinh/lớp. Có những lớp tiểu học và THCS lên đến 40, thậm chí 50 học sinh/lớp.
Những năm qua, nhờ hệ thống trường mầm non tư thục phát triển nên số trẻ đến lớp đúng độ tuổi được đảm bảo. Trong tổng 7.328 em thuộc 262 nhóm, lớp cấp mầm non hiện nay có đến 3.233 trẻ của thành phố theo học các trường tư thục do trường công lập thiếu giáo viên. Ngay tại Trường mầm non Hoa Phượng ở phường Tiến Thành hiện còn thừa 6 phòng học nhưng vì không đủ giáo viên nên năm học này chỉ tuyển 1 lớp nhóm để ưu tiên cho các lớp chồi, lá. Còn Trường tiểu học Tân Xuân B năm học 2019-2020 thiếu đến 12 giáo viên nên sĩ số học sinh/lớp bình quân đến 40 em, cá biệt có lớp 50 em.
Một trong những khó khăn hàng đầu của các trường công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay là Chỉ thị số 12/2015/CT-UBND ngày 17-8-2015 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh thu, quản lý, sử dụng các khoản thu theo quy định và các khoản kinh phí được vận động tại trường học, cơ sở giáo dục công lập đã được bãi bỏ nhưng chưa có văn bản thay thế hoặc hướng dẫn nên các trường công lập không có cơ sở để thu. Do vậy, phần lớn các trường công lập hiện nay chỉ dựa vào tình hình thực tế mà tạm ứng các khoản thu để có kinh phí phục vụ hoạt động giáo dục trong trường. Việc tạm ứng thu của các trường cũng đang gây không ít băn khoăn cho phụ huynh vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng. Các trường học trên địa bàn tỉnh hiện rất mong sớm có văn bản hướng dẫn thu, chi để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giáo dục.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065