BP - Cử tuyển học sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao chất lượng cán bộ vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Từ năm 1990, Bộ Giáo dục - Đào tạo bắt đầu mở hệ cử tuyển. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề như: Mâu thuẫn giữa nhu cầu nhân lực trước mắt và việc chờ sinh viên cử tuyển ra trường, chất lượng đầu ra đang gây khó cho chính quyền cơ sở khi giải quyết hài hòa giữa vị trí công tác và chính sách.
HUYỆN, THỊ KHÔNG MẶN MÀ
Ngày 14-5-2015, Sở Giáo dục - Đào tạo có công văn gửi UBND các huyện, thị xã về việc xây dựng kế hoạch bố trí công tác và đăng ký chỉ tiêu cử tuyển năm 2015 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, không có huyện nào hồi âm. Ngày 3-6, sở tiếp tục có công văn vẫn nội dung đó và đề nghị chậm nhất ngày 10-6 các huyện, thị xã có văn bản trả lời. Nhưng cũng phải tới ngày 17-6 mới có 4 huyện là Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đốp và thị xã Đồng Xoài phúc đáp. Trong đó, chỉ 2 huyện Lộc Ninh và Hớn Quản có nhu cầu cử tuyển 25 học sinh đi đào tạo: 15 bác sĩ và 10 cao đẳng sư phạm hệ mầm non. Đến 22-6, thêm UBND huyện Đồng Phú có văn bản cử tuyển 4 học sinh học bác sĩ đa khoa.
Sinh viên cử tuyển trong buổi họp mặt, trao đổi với lãnh đạo tỉnh
Nguyên nhân đầu tiên là chất lượng sinh viên hệ cử tuyển quá thấp, khó đáp ứng yêu cầu công việc. Đa số sinh viên cử tuyển phải học 7-8 năm mới ra trường vì học yếu phải lưu ban hoặc qua 2 năm dự bị. Đó là chưa kể những em học xong 2 năm dự bị không qua được vòng sát hạch hoặc sau nhiều năm lưu ban phải chia tay giảng đường. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Hùng đánh giá: “Nhìn chung kiến thức của sinh viên cử tuyển hạn chế, khả năng tiếp thu chậm dẫn đến kết quả học tập không cao. Nhiều sinh viên chọn ngành đào tạo có điểm đầu vào cao trong khi năng lực không phù hợp, không theo kịp dẫn đến lưu ban, bỏ học”.
Bất cập khác là khi sinh viên tốt nghiệp đại học, UBND và ngành chuyên môn các huyện, thị dù có kế hoạch bố trí việc làm nhưng nếu “thuận buồm xuôi gió” cũng phải đợi ít nhất 5 năm (một năm dự bị). Có trường hợp nghỉ ngang không báo cáo, chính quyền cơ sở không hay dẫn đến bố trí quy hoạch vị trí bị bỏ ngỏ. Theo khảo sát thực tế thì có khoảng 15% sinh viên cử tuyển bỏ học giữa chừng. Trong một cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Lương Nhân, Phó ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Cần phải cân nhắc đưa ra chỉ tiêu đào tạo sinh viên hệ cử tuyển và ngành nghề cử tuyển sao cho phù hợp với năng lực, nhằm tránh lãng phí thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Đặc biệt là không nên cử tuyển ở những trường thuộc top có điểm thi đầu vào quá cao mà ngay cả sinh viên khá còn khó vào”.
LÃNG PHÍ ĐƯỢC BIẾT TRƯỚC
Bình Phước hiện có 482 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Mỗi năm, tỉnh chi khoảng 22 triệu đồng /sinh viên hệ cử tuyển, bao gồm các khoản học bổng, học phí, sách vở... Nếu sinh viên bỏ ngang hoặc không thể ra trường do đăng ký ngành nghề đào tạo quá sức học, nghĩa là đào tạo không thu được kết quả thì tổn thất đầu tiên thuộc về ngân sách nhà nước và nơi dự tính tuyển dụng sinh viên sau đào tạo. |
Chính quyền cơ sở “chê” bác sĩ, cử nhân... hệ cử tuyển không đảm bảo công việc cũng là điều dễ hiểu. Tỉnh Quảng Ngãi từng xảy ra tình trạng, thầy giáo hệ cử tuyển được phân công giảng dạy tại một huyện miền núi đã không làm nổi phép tính thập phân (?!). Bình Phước chưa “sát hạch” nhưng không thể chủ quan. Bởi tỉnh đã có em học gần 10 năm chưa ra trường.
Theo quy định, sinh viên hệ cử tuyển sau một năm học dự bị sẽ được học chính thức cùng sinh viên hệ chính quy. Không phải thi tuyển, không cần đạt điểm sàn, sinh viên cử tuyển dễ dàng bước chân vào giảng đường đại học nên chất lượng thấp. Mặt khác, đa số học sinh DTTS có học lực khá, giỏi thường tự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Đơn cử như năm 2011, Bình Phước có 27 học sinh nằm trong danh sách được UBND tỉnh cử đi học nhưng tự thi đậu đại học; năm 2012 có 15 em; năm 2013 có 9 em thi đậu đại học, 1 em đậu cao đẳng. Trong khi đó, những học sinh cử tuyển học lực trung bình nhưng lại chọn những trường nằm trong top đầu như: Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội...
Học làng nhàng, trượt đại học hoặc chỉ trúng tuyển vào trường điểm thấp, nhưng các thí sinh này lại được cử đi học bác sĩ, dược sĩ - ngành vốn chỉ dành cho những học sinh giỏi, khiến mối lo chất lượng càng tăng. Ông Nguyễn Châu Vĩnh, Trưởng phòng Dân tộc, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Tại nhiều hội thảo bàn về công tác cử tuyển, Ban giám hiệu các trường Đại học y Hà Nội, Cần Thơ, Tây Nguyên... đều phản ứng rất gay gắt. Theo họ, những ngành liên quan trực tiếp đến con người như sư phạm, y thì phải cử tuyển học sinh có học lực từ loại khá trở lên.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065