20 NĂM MÒN MỎI CHỜ ĐIỆN
Ấp Thạnh Tây có 218 hộ chia làm 8 tổ nhưng hiện chỉ tổ 1, tổ 2 có đường điện của nhà nước. Nhiều gia đình vì không chịu được cảnh tối tăm đã mắc nhờ đường dây điện từ ấp, xã khác nên phải sử dụng điện giá rất cao. Gia đình nào có điều kiện thì kéo điện, dùng máy năng lượng mặt trời, còn những hộ khó khăn dùng bình ắc-quy, đèn pin, nến và đèn dầu để thắp sáng.
CÓ ĐIỆN CŨNG NHƯ KHÔNG!
Đến nhà anh Nguyễn Văn Thanh (36 tuổi) ở tổ 6, những thiết bị như: tivi, quạt, nồi cơm điện... mua đã lâu nhưng chưa một lần được sử dụng. Dàn ăng ten, chảo cũng nằm bất động, có thứ đã hoen rỉ, bụi bám từng lớp. “Gia đình tôi đã sinh sống ở đây gần 20 năm. Vì muốn có ánh sáng cho con học nên năm 2012, gia đình tôi vay mượn cùng 6 hộ kéo nhờ điện từ Sóc Mới của ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh. Hiện tôi phải trả 5.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, điện rất yếu, ngoài thắp sáng thì không dùng được bất kỳ thiết bị nào. Có điện cũng như không!” - anh Thành than thở.
20 năm sinh sống là ngần ấy thời gian người dân mong chờ điện về. Năm 2012, người dân ở đây vui mừng vì thông tin được kéo điện. Đơn vị thi công cũng đã vận chuyển cột đến nhưng không hiểu vì lý do gì lại chở đi. Người dân chỉ còn biết nuôi hy vọng. Đáng nói, người dân ở tổ 8 (thường gọi là khu 32 hộ) gặp rất nhiều khó khăn hơn những tổ khác, từ 32 hộ ban đầu đến nay đã tăng lên 52 hộ. Họ không có điều kiện để kéo điện với giá “trên trời”, cũng không có máy năng lượng mặt trời, mọi sinh hoạt về đêm đều phụ thuộc vào bình ắc-quy, đèn pin, đèn dầu.
Không điện nên người dân ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) phải dùng bình ắc-quy và đèn dầu thắp sáng
Hơn 17 giờ, chúng tôi được ban điều hành ấp dẫn đến khu 32 hộ. Hầu như tất cả những hộ ở đây đang chuẩn bị ăn cơm tối. Mọi sinh hoạt phải diễn ra gấp rút trước khi màn đêm buông xuống. Nỗi khổ của người dân hiện rõ, từ sinh hoạt cá nhân, ăn uống, may vá, đi lại đến việc học hành của các em nhỏ chỉ dựa vào ngọn đèn dầu, đèn pin.
Anh Nguyễn Viết Bình (35 tuổi) nói: “Tôi có con học lớp 2. Những ngày nắng còn đi sạc bình ắc-quy để thắp sáng, ngày mưa thì đành chịu vì đường khó đi lại xa tới 10km. Vì vậy, có hôm con tôi học bằng đèn dầu, có hôm học bằng bình ắc-quy. Cứ tiếp tục như vậy, tôi sợ cháu không theo kịp các bạn rồi lại nghỉ học giống những đứa trẻ ở đây”.
ƯỚC MƠ TRONG BÓNG TỐI
“Theo Chương trình 135 về thực hiện dự án đường điện Tây Nguyên, ban đầu ấp Thạnh Tây chỉ được đầu tư 1.500m đường dây điện. Lãnh đạo xã đã vận động, tìm đủ mọi nguồn để có thêm 1.500m nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của hộ dân trong ấp. Xã và huyện không đủ khả năng vì kinh phí quá lớn. Những lần tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, chúng tôi đều kiến nghị lên cấp trên xem xét giải quyết. Trong thời gian tới, nếu có thêm chương trình điện của nhà nước, chúng tôi sẽ ưu tiên cho ấp Thạnh Tây để có thể phủ kín đường điện đến toàn ấp”. Ông Nguyễn Đức Thân, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tấn |
Theo Chương trình cung cấp điện cho người dân Tây Nguyên, ấp Thạnh Tây được kéo 1.500m đường điện. Những nơi đã chở cột điện đến để chuẩn bị thi công, người dân tổ chức ăn mừng. Tuy nhiên, chỉ các hộ nằm dọc đường đi của đường dây điện mới được hưởng chương trình này. Vì vậy vẫn còn 52 hộ ở tổ 8 không có điện sử dụng.
Ông Nguyễn Như Vinh (62 tuổi), buồn rầu nói: “Năm 1994, theo Chương trình 327 (nay là Chương trình 661), chúng tôi đến đây định cư để trồng rừng. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất giáp biên giới, chúng tôi mừng hơn “bắt được vàng” khi biết có đoàn khảo sát đường điện nhưng rồi lại thất vọng... giống như những lần trước. Chỉ cần giúp người dân thêm 1km nữa thôi, còn lại dù phải nhịn đói, chúng tôi cũng cố đóng góp để kéo điện”.
Trưởng ấp Nguyễn Thanh Hiền không nén được tiếng thở dài: “Chúng tôi thương dân lắm! Hơn 20 năm sống ở đây, tôi hiểu được những thiếu thốn và mong muốn của họ. Được nhà nước kéo điện nhưng nơi có nơi không, chúng tôi có giải thích thế nào cũng không làm vơi nỗi thất vọng của họ”.
Rời khu 32 hộ, chỉ mới hơn 18 giờ 30 phút nhưng trước mắt chúng tôi là một vùng tối. Người dân ở đây vẫn luôn mong được nhà nước đầu tư đường dây điện để thắp lên ước mơ, hy vọng cho họ và cả thế hệ mai sau…
Hải Yến
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065