Cả nước hiện có gần 9.000 chợ truyền thống, chiếm gần 80% kênh phân phối, nhưng phần lớn cơ sở hạ tầng đều đã xuống cấp. Thậm chí công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Chính vì vậy, tại Hôi nghị sơ kết thực hiện Nghị định 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ do Bộ Công Thương tổ chức sáng 20-5, tại Hà Nội, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc có nên bỏ thêm tiền để đầu tư nâng cấp hay chuyển đổi mô hình sao cho phù hợp nhằm đưa các chợ truyền thống hoạt động hiệu quả hơn.
Cũ thì lo, mới lại để hoang
Chợ Phủ nằm trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội được coi là một chợ dân sinh quen thuộc của nhiều thế hệ người dân ven đô với hàng hóa chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau hàng chục năm đi vào hoạt động lại chưa được đầu tư cải tạo, nên chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, lều quán xiêu vẹo, tạm bợ... Thậm chí tường bao quanh chợ cũng không có và ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng do rác thải của chính người dân mua bán.
Ông Trần Đại Tư, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Chợ Phủ (huyện Quốc Oai) cho biết, năm 2007 theo gợi ý của thành phố thì địa phương nên thành lập một hợp tác xã chuyên quản lý kinh tế chợ. "Tuy nhiên, để có số tiền từ 3-5 tỷ đồng thì kêu gọi đã khó, chưa kể khi đầu tư xây mới rồi thì chưa biết các tiểu thương có vào chợ kinh doanh tiếp không vì phải nộp thêm thuế và phí...," ông Tư băn khoăn.
Trong khi đó, Hà Tĩnh hiện có 172 chợ nhưng cũng như nhiều địa phương khác, hầu hết cơ sở vật chất của các chợ nông thôn đều xuống cấp nghiêm trọng, do thời gian đưa vào sử dụng quá lâu, trong khi nguồn thu các chợ chỉ đủ để trang trải cho tổ quản lý và sửa chữa một số hạng mục nhỏ.
Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh chia sẻ, hiện trạng mạng lưới các chợ trên địa bàn huyện còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ trong khu vực.
Việc xây dựng, cải tạo chợ lại gặp nhiều vướng mắc, có nơi chợ xây dựng xong rồi bỏ hoang, gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân đóng góp.
"Theo khảo sát của Sở Công Thương Hà Tĩnh, năm 2012 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 2 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn," ông Tân nói.
Đây cũng là tình trạng chung của các chợ truyền thống trên cả nước, nhưng do phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân nên mô hình chợ truyền thống vẫn là kênh tiêu dùng được người dân lựa chọn.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, hàng hóa ở chợ đa dạng, giá cả cũng thấp hơn siêu thị nên hợp với thói quen tiêu dùng.
"Dù vậy, việc quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đến vệ sinh an toàn thực phẩm gần như còn bỏ ngỏ nên các chợ dân sinh phải được quy hoạch lại," ông Thắng đề nghị.
Mô hình nào cho phù hợp?
Nghị định 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ đã đề cập những chủ trương về xã hội hóa đầu tư phát triển chợ nhưng qua thực tế đã nảy sinh nhiều vướng mắc do thiếu các cơ chế hỗ trợ giúp doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn.
Bài học lớn nhất là khu chợ Hàng Da và Thành Công ở Hà Nội, khi chuyển mô hình từ chợ sang kiểu Trung tâm thương mại thì hoạt động kinh doanh gần như tê liệt do chưa phù hợp với thói quen mua sắm của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, nhiều doanh nghiệp nghe từ "Chợ" là lo rồi, bởi tình trạng phát triển tự do còn phổ biến, mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư, ban quản lý chợ và tiểu thương gần như là căn bệnh kinh niên chưa có lời giải.
Ông Thắng dẫn chứng, nhà đầu tư thì muốn bảo vệ quyền khi bỏ vốn, còn tiểu thương ký hợp đồng cũng không đồng thuận, tận dụng lợi thế số đông để đòi quyền lợi. Do vậy dù danh nghĩa là chuyển sang mô hình doanh nghiệp quản lý nhưng thực tế bài toán về lợi ích của các bên chưa giải quyết được.
Do vậy, ông Thắng đề nghị khi chuyển đổi mô hình từ chợ sang kênh bán lẻ hiện đại thì cần phải giải quyết được mâu thuẫn trên và cho phép doanh nghiệp được hoạt động theo luật doanh nghiệp, tức là làm ăn theo cơ chế thị trường, để họ yên tâm bỏ vốn và kinh doanh có hiệu quả.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Bộ Công Thương, bởi theo ông Nguyễn Xuân Chiến-Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mô hình "nửa truyển thống, nửa hiện đại" kiểu chợ đan xen với siêu thị gần như không hợp với thói quen của người thu nhập thấp.
Bởi lẽ, nếu phải bỏ tiền ra mua mớ rau, con cá nhưng lại phải gửi xe mất vài nghìn đồng thì hoạt động sẽ không hiệu quả.
Do vậy, ông Chiến cho biết, Bộ Công Thương sẽ đánh giá lại mô hình các chợ khi chuyển đổi để có hướng đi thích hợp với từng vùng và địa phương, qua đó tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và tiểu thương.
Hiện trong đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã tham mưu cho Chính phủ tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống.
Cụ thể, sẽ khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các chủ thể bỏ vốn đầu tư phát triển chợ thuộc các thành phần kinh tế như có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư, bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với chợ hạng II, hạng III tùy theo vị trí, địa điểm, trọng tâm là chợ khu vực nông thôn, miền núi. Đối với chợ hạng I ở đô thị thì tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa cũng đồng ý rằng, chợ truyền thống là một phần rất quan trọng trong kênh phân phối hiện nay, tuy nhiên để hoạt động có hiệu quả thì phải phù hợp với nhu cầu và quy hoạch.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để phù hợp với xu thế hiện nay thì chợ truyền thống cần phải nâng cấp đồng thời xã hội hóa quản lý chợ truyền thống theo mô hình doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý... "Đây là điều kiện thực sự cần thiết để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh cũng như tái đầu tư phát triển chợ trong điều kiện hội nhập," thứ trưởng nói.
Theo Bộ Công Thương, trong gần 9.000 chợ hiện nay hiện còn khoảng 28% số chợ ở trong tình trạng lều lán, tạm bợ; thậm chí có tới 15% số chợ còn họp ngoài trời.
Công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... vẫn còn hạn chế, hàng giả, hàng lậu trong các chợ còn khá phổ biến.
|
(Theo TTXVN)