Để cảm nhận rõ không khí tết đang tràn về mọi nẻo đường, để thấy “mùi” tết phảng phất trong không gian thì hãy tìm đến chợ quê những ngày cuối năm. Từ mờ sáng, người bán đã bày các mặt hàng tết, người đi chợ cũng đến từ sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon hoặc đôi khi chỉ để ngắm, để cảm nhận không khí xuân đang về. Chợ quê ngày giáp tết luôn đông vui, nhộn nhịp, không chỉ người mua phấn chấn mà người bán cũng rộn ràng chắt chiu từng khoản tiền nhỏ cho một cái tết ấm áp bên gia đình.
Người dân mua trái cây, cau trầu chuẩn bị đón tết
Khi màn sương còn bao phủ trên những cành cây, đường vào chợ Đắk Ơ (Bù Gia Mập) đã rộn rã tiếng cười nói cùng nhiều sắc áo sặc sỡ của những phụ nữ đồng bào S’tiêng, Tày, Nùng... Do chợ nằm cách xa trung tâm huyện nên hầu hết người dân ở các xã lân cận đều về đây sắm tết. Sau ngày “đưa ông Táo về trời”, chợ bắt đầu họp rất sớm, khoảng 4-5 giờ sáng đã đông đúc và khi trời hửng sáng thì chợ đã đặc kín người, cảnh mua bán diễn ra hết sức náo nhiệt. Ngoài những lều, sạp bán hàng có mái che, đối diện UBND xã có khoảng đất rộng còn được trưng dụng làm chợ tết. Từ chiều 23 tháng chạp, những người buôn bán ở xa đã đến trải bạt, dựng cọc, che chắn thành những túp lều nhỏ để bày bán bánh kẹo, mứt tết, quần áo cùng sản phẩm của những người nông dân tự tay làm ra, như cơm lam, rượu nếp...
Góp phần cho hương vị món ăn ngày tết dĩ nhiên không thể thiếu lá dong, lá chuối, củ kiệu và những giỏ hoa vạn thọ vàng tươi. Hàng hóa vùng quê chủ yếu là các nông sản dân dã do nông dân làm ra, từ buồng cau, nải chuối, mấy trái mãng cầu gai, mớ gạo nếp, đậu xanh đến vài chục quả trứng gà, cặp vịt, mẻ cá vừa mới cất lên, còn giãy đành đạch... Hay trên những chiếc gùi là đọt mây, lá nhíp được người dân cất công tìm kiếm trên những cánh rừng.
Chợ quê có đủ các loại hàng hóa phong phú và đa dạng. Những mặt hàng này chủ yếu tiểu thương lấy lại từ chợ đầu mối ở thị xã Phước Long cách chợ Đắk Ơ hơn 50km. Dù được bày bán sớm nhưng chỉ đắt hàng vào những ngày cận tết.
Xuất hiện sớm ở chợ là những chiếc xe chở cồng kềnh như một “cửa hàng di động”, chất đầy nồi, niêu đất, chảo nhôm và vật dụng khác. Những cửa hàng di động đó đã trở thành nét văn hóa riêng nơi vùng sâu, xa. Chị Nông Thị Tuyết (thôn 5, xã Đắk Ơ), người gắn bó hơn 15 năm với những buổi chợ ngày tết nói: “Đây là những mặt hàng không thể thiếu ở phiên chợ tết vùng quê này. Nhiều người dân ở đây vẫn thích sử dụng nồi đất để kho cá. Bởi cá suối kho nồi đất sẽ ngon hơn”.
Những buổi chợ cuối năm cũng là dịp lũ trẻ con trong các thôn, sóc mong đợi. Vì chúng được cha mẹ cho đi theo, được tự do vui đùa hay tham gia các trò chơi có thưởng, nếu gặp may thì cũng có thêm những phần quà tết. Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Bù Bưng, cách chợ hơn 15km, anh Điểu Kiết dắt theo hai con nhỏ đến chợ, mua một vài thứ cần thiết dùng trong ngày tết, còn lại cho tụi nhỏ thỏa sức chơi đùa.
Chợ quê ngày tết đông vui, nhộn nhịp bởi suy nghĩ “làm cả năm, chỉ dành đi chợ ba ngày tết”. Nhiều gia đình chờ đến ngày cận tết mới sắm sửa nhưng có người đi chợ tết chỉ để xem hàng hóa, chào hỏi nhau thân tình, nói chuyện vụ mùa, cây trồng hay mời nhau đến nhà chơi...
Thanh Thúy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065