BP - Ước mơ từ thuở ông cha
Men theo con đường đất đỏ với đường điện dẫn về mỗi nhà, già làng Điểu Nhiêm (sóc 28, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng) kể: “Trước kia, mình làm lúa rẫy, nghèo đói cứ theo hoài, phát xong, đốt, chọc, tỉa vài năm lại đốt mảnh đất mới. Năm trúng cũng như năm mất mùa, mỗi ngày cắt một bó lúa về giã thành gạo đủ ăn trong ngày. Chẳng đủ gạo ăn, đồng bào phải bám rừng để đào củ mài, măng rừng, lá nhíp... lót lòng qua cơn đói. Sóc 28 nay đã khác, hết rồi khi thèm vị mặn phải đốt cỏ tranh thành tro rồi chấm thay muối. Cũng hết cảnh tăm tối. Từ năm 2005, dòng điện đã mang ánh sáng về với đồng bào ở xã Nghĩa Bình. Có điện, có tivi, loa đài, được học hỏi nhiều thứ nên người dân biết cách trồng cây lâu năm và xen nhiều loại cây khác trong cùng diện tích nên không những đủ ăn mà còn giàu nữa”.
Anh Điểu Đan và Điểu Lích tự hào vì trồng được cây lá đăng trong vườn nhà để làm men tự nhiên ủ rượu cần
Năm 1968, Điểu Gió (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng) vừa tròn 11 tuổi đã tham gia tải gạo, vót chông, liên lạc, rồi trực tiếp chiến đấu... Do ảnh hưởng trực tiếp từ chất độc da cam, gần kết thúc chiến tranh, anh bị sốt và bị liệt, teo chân phải, đi lại khó khăn. Hòa bình, Điểu Gió lập gia đình cùng cô dân quân tải gạo nuôi quân Thị Cứ. Vượt nỗi đau bệnh tật, gia đình Điểu Gió nhận trồng và chăm sóc điều thuê cho một hộ dân trong sóc để tăng thu nhập. Trên phần đất nhận chăm sóc điều, anh mượn 2 ha trồng xen mì. Sau 4 năm thu hoạch mì, tích góp dần để mua đất canh tác, đến nay gia đình anh đã có 5 ha đất, trong đó 3 ha điều đang thu hoạch. Anh Gió hồ hởi: “Với mình, hạnh phúc lớn nhất là tự nuôi sống được bản thân, gia đình và có dư để đóng góp các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”.
Bám đất làm giàu
Chúng tôi đến thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng) vào thời điểm cận tết. Từ quốc lộ 14, rẽ vào những đường đất đỏ dẫn vào các ấp, sóc, chúng tôi cũng vui lây vì năm nay đồng bào Xêtiêng được mùa lúa và cà phê. Khắp các nẻo đường thoang thoảng mùi ngai ngái của đất, của rơm rạ, của những vỏ trấu bên cạnh chiếc máy xát lúa và những đống lúa vàng ươm đồng bào vừa gom lại chưa kịp bỏ vào bao. Dừng lại ở khoảng sân rộng trước căn nhà sàn truyền thống, bà Thị Tun đã 76 tuổi cùng một số phụ nữ đang rê lúa trước chiếc quạt điện. Trước nhà, những bao lúa vàng óng chưa kịp may miệng, đang chờ những người đàn ông đi làm rẫy về mang vào nhà. Bà Thị Tun vui vẻ nói: “Nhà tôi có 8 ha điều, cà phê. Tôi trồng thêm 5 sào lúa ở bàu Xlây Xít, đủ gạo ăn trong nửa năm. Khi bón phân, chăm sóc, xịt cỏ hay ngày mùa, tất cả con cháu đều cùng làm và thu hoạch. Con cháu đông nhưng đứa nào cũng siêng làm nên không nghèo đói”.
Cà phê được mùa, già làng Điểu Liên gửi tiết kiệm ở ngân hàng để nuôi con ăn học
Anh Điểu Đan (thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng), người đi đầu dẫn nước tưới để trồng xen ca cao trong vườn điều ở đây cho biết: “Mình còn nhớ ngày trồng điều trên mảnh đất dốc này, nhiều người nói mình bỏ công vô ích vì đất và cây sẽ bị cuốn hết xuống suối Nai. Mình lên rừng Đồng Nai lấy cây lá nhíp trồng thành hàng, thành lũy giữa những hàng điều không cho đất xói mòn. Mua được máy phát điện, máy bơm dẫn nước từ suối lên tưới cây, mình tiếp tục trồng xen ca cao trong 5 ha điều. Thấy vườn nhà mình nhiều trái, nhiều người đến học và làm theo, không bỏ hoang đất xấu như trước”.
Bà Thị Tun cùng con cháu vui vẻ rê lúa, cuộc sống sung túc tràn ngập trong những gia đình Xêtiêng say mê lao động
Già làng Điểu Liên (cùng thôn) nói: “Lấy ngắn nuôi dài, qua nhiều năm để dành, đến nay gia đình tôi có 5 ha đất trồng điều xen cà phê. Vườn điều cho năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha/năm. Khi mùa vụ, thu hoạch xong là tôi chia ra nhiều khoản tiền khác nhau như: nuôi con học đại học Công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, tiêu xài trong gia đình, mua phân bón chăm sóc vườn cây và gửi tiết kiệm ở ngân hàng nông nghiệp phòng khi ốm đau hay có việc. Tôi cũng chỉ cách để con cháu trong thôn gửi tiền tiết kiệm phòng khi xảy ra chuyện hoặc ốm đau, không bán điều non, cầm cố vườn”.
“Mang rừng về nhà”
Chấm dứt cuộc sống du canh, du cư và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc kiếm miếng cơm manh áo theo phương thức sản xuất mới đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số không dễ dàng. Tuy nhiên, với bản chất cần cù, chịu khó, nhiều hộ đồng bào Xêtiêng ở huyện Bù Đăng đã sáng tạo trong lao động sản xuất và biết nắm cơ hội để gieo mầm thành công từ đất. |
Bữa ăn của đồng bào Xêtiêng không thể thiếu các loại lá, cà, rau rừng... Hàng ngày, ngoài chăm sóc vườn, vài người trong gia đình lên rừng hái rau, củ, măng rừng, đọt mây, lá nhíp, cà dại, lá thuốc dòi... để nấu ăn. Kể cả những loại lá, rễ, vỏ cây, men tự nhiên để làm rượu cần và một số loại cỏ chữa bệnh cũng được tìm kiếm. Nhưng lên rừng mất thời gian, hơn nữa các loại cây này cũng khan hiếm dần nên nhiều hộ đồng bào Xêtiêng ở Bù Đăng đã “mang rừng về nhà”.
Anh Điểu Lích, Trưởng thôn 5 (xã Minh Hưng) cho biết: Cả thôn có 301 hộ, 87,7% hộ dân là đồng bào Xêtiêng. Nhà đồng bào ở đây ai cũng trồng nhiều loại cây rừng xen trong vườn. Riêng cây lá nhíp, nhà nào ít nhất cũng trồng 1 sào, trung bình khoảng 3 sào, có nhà trồng xen khắp vườn điều. Lá nhíp vừa làm rau sạch cho gia đình vừa bán để tăng thu nhập. Mùa khô, lá nhíp có giá 120 ngàn đồng/kg.
10 năm trước, ông Điểu Klê là người đầu tiên mang cây lá nhíp và một số giống cây rừng về trồng xen trong vườn điều. Sau đó, già làng Điểu Liên cũng trồng cây rừng rồi nhiều hộ đến học hỏi, làm theo. Ông Điểu Klê nói: Hàng ngày, tôi và con cháu lên rừng kiếm đọt mây, rau rừng về ăn; còn kiếm các loại vỏ, lá, thân cây làm rượu cần, nhuộm sợi dệt thảm; tre, nứa để đan lát, nấu cơm lam... Nhiều người lấy rau rừng xong thì về, có người thấy cây gỗ nảy lòng tham chặt luôn. Vì vậy, tôi chỉ các hộ dân cách trồng thêm các loại cây rừng tại vườn nhà để giữ rừng.
Già làng Điểu Nhiêm say xưa kể những khó khăn và sự cố gắng để có cuộc sống sung túc của đồng bào Xêtiêng
Dẫn chúng tôi đi khắp vườn, tới tận mép suối, anh Điểu Đan say mê chỉ cho chúng tôi cây to nhất trong vườn là cây dầu đất. Lá, vỏ, thân cây trộn với gạo để làm rượu cần có hương vị đặc biệt. Cây lá đăng cũng có trong vườn để làm men tự nhiên ủ rượu cần. Anh Điểu Đan hào hứng chỉ về phía bờ suối Nai, nơi anh trồng 2.000 cây sao, dầu đã được 5 năm để sau này con cháu hưởng. Đa dạng cây trồng, vườn nhiều tầng nên động vật cũng kéo về. Ngặt nỗi sóc về nhiều, trái ca cao vừa chín đã bị sóc ăn hết hạt.
Những đoạn đường nhựa, đường sỏi đỏ chạy dài đến tận vườn, rẫy của các hộ dân nối vườn cao su, cà phê, ca cao, điều xanh ngút tầm mắt. Điện, nước sạch... đã được kéo về tận nhà cho người dân sử dụng. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vùng nông thôn Bù Đăng hôm nay đang hiện hữu sự ấm no khi chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065