Bữa ăn của nhiều bé dường như là những trận chiến, khi một bên ép ăn cho kỳ được, còn một bên tìm đủ cách để từ chối. Biếng ăn trở thành mối lo của không ít phụ huynh, nhưng ít ai ngờ, “đương sự” bé nhỏ hoàn toàn vô tội. Lỗi thuộc về người cho bé ăn.
65% phụ huynh cho con ăn không đúng cách
Nghiên cứu mới đây của Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy: hơn 65% các bậc cha mẹ cho con ăn không đúng cách. Đó là trẻ vừa ăn vừa chơi đồ chơi hoặc xem ti vi; cho trẻ ăn không theo thời gian cố định; không cho trẻ ngồi vào bàn ăn cùng gia đình… Những thói quen ăn uống không đúng cách có thể làm bé biếng ăn, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. Tại Việt Nam, đến 40% trẻ em biếng ăn và các bà mẹ than phiền rằng vấn đề khó khăn hàng đầu khi cho con ăn là trẻ ăn chậm, thờ ơ với thức ăn, kén ăn.
Tại sao cho ăn không đúng cách khiến bé biếng ăn? Để bé ăn hết bữa, những người cho bé ăn thường “vẽ” nhiều chiêu trò thu hút sự chú ý của bé, chẳng hạn như cho bé xem chương trình quảng cáo rồi tranh thủ đút một muỗng thật đầy vào miệng bé. Quá đầy, quá nhiều, bé không thể nuốt, thế là ngậm. Chỉ cần ngậm một lần thấy ngọt, bé sẽ ngậm liên tục và bữa ăn kéo dài một, hai, ba tiếng đồng hồ là chuyện thường ngày ở các gia đình. Biện pháp “đánh lạc hướng” cho bé chơi đồ chơi, xem ti vi… để bé ăn nhiều hơn sẽ dẫn đến hai khả năng. Thứ nhất, bé tập trung đồ chơi, thay vì thưởng thức món ăn. Đây chính là tiền đề dẫn đến biếng ăn vì ham chơi nên bé cứ ngậm hoặc không chịu há miệng. Thứ hai, những bé chỉ ăn vì mê xem sẽ nhai nuốt như một cái máy mà không biết là bụng đã no căng. Chưa hết, sau này bé còn bị thói quen hành hạ, nghĩa là cứ có ti vi là nhai nhóp nhép, nên dễ bị béo phì. Khi bé không ăn, phụ huynh thường dụng biện pháp mạnh: ép. Ép ăn thoạt đầu hiệu quả, nhưng thực chất khi ăn với bầu không khí đầy nước mắt hoặc căng thẳng, khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể rất kém, thậm chí không có lợi cho sức khỏe.
Nghệ thuật cho bé ăn
Theo BS Vũ Hoàn - Viện Friesland Campina, cha mẹ cần làm gương trong cách ăn uống như: không kén ăn, ăn đa dạng, bổ dưỡng. Không cho bé ăn tập trung vào một số thức ăn bé ưa thích. Việc dùng món tráng miệng làm phần thưởng cũng dẫn tới hậu quả là bé sẽ thích món tráng miệng hơn. Giờ ăn phải là giờ vui và không kéo dài quá 20 phút. Cha mẹ cần dứt khoát quyết định: ăn khi nào, ăn món nào; còn bé sẽ quyết định ăn bao nhiêu.
Khi các điều kiện mà cha mẹ yêu cầu quá cao như: ăn nhiều, ăn đủ các món… thì trẻ sẽ ớn. BS Nguyễn Thị Kim Hưng - Trung tâm Làm giàu Thế giới nội tâm TP.HCM cho biết: “Khi đói, cơ thể có nhu cầu làm cho các cơ quan của hệ tiêu hóa vận hành tốt. Còn khi bé không muốn ăn mà bắt ăn, dịch tiêu hóa tiết ra không đầy đủ, thức ăn nằm lâu trong dạ dày gây đầy bụng, ói, mửa… Tệ hơn nữa, biện pháp hù dọa sẽ làm bé căng thẳng, toàn thân co cứng, dẫn tới không thể tiêu hóa, hấp thu thức ăn”.
Cho ăn đa dạng là yêu cầu để bé phát triển, nhưng một số bé rất khó làm quen với món mới. Trong cuốn sách Bé yêu học ăn của BS Irene Chatoor - Trung tâm Y khoa Quốc gia cho trẻ em ở Washington DC (Mỹ) có hướng dẫn cách cho bé ăn món mới: “Trẻ ngồi vào bàn, quan sát mọi người ăn là cơ hội tốt để trẻ muốn thử các món mới… Nếu bạn làm mẫu, ăn món mới mà không cho trẻ ăn, trẻ sẽ thắc mắc và xin ăn. Cần nhớ, chỉ cho trẻ ăn một mẩu nhỏ, nếu thích, trẻ sẽ tự động xin thêm…”.
(Theo PNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065