BP - Một lần nữa, vấn đề tăng giờ làm đối với công nhân lại “nóng” ở nghị trường Quốc hội. Cuộc tranh luận diễn ra trong phiên Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sáng 23-10. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh nghẹn ngào khóc khi tranh luận xung quanh vấn đề tăng giờ làm thêm của công nhân. Bà nói: “Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ, người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1, 2 năm chưa được về thăm con. Ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm”. Có phát biểu này vì bà không thể đồng tình với việc tăng giờ làm thêm tối đa 400 giờ/năm. Ai cũng dễ dàng trả lời được câu hỏi: “Vì sao công nhân cần làm thêm giờ?”, là vì tiền lương, thu nhập hiện nay thật sự không đủ trang trải cuộc sống... Nhưng không phải vì thế mà tăng giờ làm, điều cốt lõi ở đây là cần có chính sách hỗ trợ để người công nhân không còn phải làm quần quật suốt ngày.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm còn khẳng định thêm rằng, sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên chủ yếu dựa vào sức lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc... Bà đặt vấn đề, với vai trò của mình, Quốc hội làm chính sách như thế nào để công nhân không chỉ có thu nhập đủ trang trải cuộc sống mà còn có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình... Điều này là quyền con người cũng đã được Hiến pháp quy định.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng lên tiếng bảo vệ người lao động (NLĐ) khi cho rằng, việc tăng hay giảm giờ làm đang quyết định phần lớn đời sống mỗi NLĐ tốt hay xấu đi. Điều đầu tiên dễ nhận thấy, làm thêm giờ gây cho NLĐ tình trạng mệt mỏi và không có thời gian tái tạo sức lao động. Đối với gia đình, làm thêm giờ, tăng ca liên tục khiến công nhân không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con và giải trí, giao lưu, thư giãn với bạn bè, người thân... Không những thế, thời gian làm việc dài còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả NLĐ và doanh nghiệp, đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, cuộc sống gia đình và xã hội, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc. Trong thời gian qua, vấn đề thời giờ làm việc kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc và đình công.
Tăng giờ làm thêm tức là doanh nghiệp tăng sản phẩm, tăng doanh thu và Nhà nước cũng tăng nguồn thu cho ngân sách từ tiền thuế và hiển nhiên NLĐ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ cũng theo đó mà tăng lên. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực. Vì thế, việc ban hành chính sách dành cho NLĐ rất cần xem xét vấn đề sức khỏe và an toàn của họ, cân bằng giữa công việc và đời sống. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp nên đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động thay vì “tận dụng” tối đa sức lao động, để rồi chính Nhà nước lại phải tìm cách tháo gỡ những bất cập, vấn đề an sinh xã hội xảy ra không lâu sau đó.
An Nhiên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065