Điều 36 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một trong những điều có nội dung ngắn nhất và là những quy định về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm 2 khoản với nội dung như sau: 1. Kỳ quy hoạch sử dụng đất là mười (10) năm và tầm nhìn hai mươi (20) năm. 2. Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là năm (5) năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm. Theo tôi thì xét về mặt ngữ nghĩa, nội dung của điều này chưa phù hợp và có nội dung không cần thiết. Cụ thể là với cụm từ “tầm nhìn hai mươi (20) năm”. Đây là thuật ngữ thường được dùng trong các văn bản chỉ đạo, như: Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội; của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố… về một lĩnh vực nào đó. Nếu trong văn bản pháp luật cũng sử dụng cụm từ này thì không ổn và thiếu chính xác. Vì luật là những quy định cụ thể và bắt buộc mọi người phải nghiêm túc thực thi. Còn với quy định là “tầm nhìn hai mươi (20) năm”, chỉ riêng khái niệm về nó đã khó xác định thì làm sao thực thi? Vì vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ: “tầm nhìn hai mươi (20) năm”
Người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại về sản xuất kinh doanh thì được bồi thường - Ảnh: T.M
Điều 72 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, với nội dung như sau: 1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 73 của luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. 2. Việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật. 3. Cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường phải chi trả kịp thời cho người có đất bị thu hồi.
Điều 81 là những quy định về việc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, với nội dung như sau: 1. Nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất: a) Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 73 của luật này thì ngoài việc bồi thường còn được Nhà nước hỗ trợ; trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét để hỗ trợ. b) Việc hỗ trợ phải đảm bảo khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật. 2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; b) Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở; d) Hỗ trợ khác. 3. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Về nội dung của hai điều trên tôi có ý kiến như sau: Hiện nay, đa số các hộ dân ở khu đông dân cư thường dùng đất ở làm địa điểm kinh doanh để nuôi sống gia đình và làm giàu, nên khi nhà nước thu hồi đất ở thì ngoài việc họ bị mất đất ở còn bị mất địa điểm kinh doanh nuôi sống gia đình hàng ngày mà trong nhiều trường hợp do đất bị thu hồi ở vị trí đắc địa nhất nên họ không thể mua được chỗ ở làm địa điểm kinh doanh mới thay thế, vì không ai có nhu cầu sang nhượng những vị trí đắc địa như vậy. Đối với các hộ sản xuất cũng vậy, ở vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, nhiên liệu thì tất nhiên giá thành sản phẩm sẽ thấp, lợi nhuận sẽ cao. Cho nên trong nhiều trường hợp khi nhà nước thu hồi đất thì người dân mất luôn kế sinh nhai, đẩy họ vào con hoàn cảnh khó khăn, do không chuyển đổi được nghề phù hợp, vì họ không biết nghề nào khác ngoài nghề họ đã gắn bó trước đó.
Và đây là nguyên nhân chính của những vụ chống đối quyết liệt, khiếu kiện kéo dài làm giảm uy tín của Đảng và nhà nước. Vậy để giải quyết tận gốc vấn đề gây bức xúc lớn nêu trên và cũng là mục đích của lần sửa đổi luật đất đai này, tôi đề nghị sửa Điều 72 và Điều 81 như sau: Điều 72. Nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất: 1. Việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường kịp thời cho người có đất bị thu hồi. 2. Nhà nước bồi thường cho người có đất bị thu hồi theo những nội dung sau: a) Bồi thường về đất bị thu hồi: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 73 của luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. b) Bồi thường về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi: Người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi thì được bồi thường. c) Bồi thường về sản xuất kinh doanh trên đất bị thu hồi: Người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại về sản xuất kinh doanh trên đất do bị thu hồi thì được bồi thường;
Đối với Điều 81, tôi để nghị sửa đổi, bổ sung ở Khoản 2, với nội dung như sau: 2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; b) Hỗ trợ mất thu nhập, đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với các hộ sản xuất kinh doanh.
Hoàng Nam (Đồng Xoài)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065