KHÔNG ĐỂ NỮ DTTS BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Chú trọng công tác giáo dục và đào tạo
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, công tác dân tộc ở Bình Phước đã có bước đột phá. Tỉnh ủy xác định gốc rễ căn cơ trong công tác cán bộ người DTTS là nâng cao chất lượng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú; gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ người DTTS phù hợp. Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã cử tuyển hơn 1.000 học sinh DTTS đi học tại các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân và khoảng 83% đã được bố trí việc làm; hỗ trợ kinh phí cho sinh viên DTTS, sinh viên DTTS hộ nghèo, cận nghèo không thuộc diện cử tuyển giai đoạn 2009-2017 gần 3 tỷ đồng.
Thầy Dương Minh Châu, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ: “Coi trọng tạo nguồn cán bộ từ con em các DTTS đang sinh sống trên địa bàn tỉnh là góp phần nâng cao hiệu quả tạo nguồn cán bộ người DTTS một cách cơ bản, lâu dài. Thời gian qua, trường thực hiện nghiêm túc quy chế thi tuyển, đúng đối tượng, quy mô, chất lượng đầu vào. Đồng thời mỗi năm đều định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phù hợp với học lực, sở trường. Vì vậy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT 8 năm qua đạt 100%; tỷ lệ trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng 87%, trong đó có 10 học sinh đậu trường đại học y; 61 em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh”.
Nói đến việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nữ trí thức, trong đó có nữ DTTS, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ trí thức tỉnh Nguyễn Thị Lan Hương đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, bà chủ trì tổ chức nhiều hội thảo khoa học tạo điều kiện cho trí thức Bình Phước nói chung, nữ giới nói riêng tham gia phản biện vào các chương trình, dự thảo chính sách dân tộc, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh. Nhiều ý kiến phản biện có tính xây dựng cao, có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn liên quan đến nữ DTTS được lãnh đạo tỉnh tiếp thu. Ngoài ra, bà còn chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, trong đó có những đánh giá, kiến nghị, giải pháp phát triển đội ngũ trí thức người DTTS; chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan thường xuyên nắm bắt tình hình quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, quản lý nữ trí thức người DTTS.
Từ thực tế, bà Nguyễn Thị Lan Hương trăn trở: “Thời gian qua, mặc dù tỉnh rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS nhưng tỷ lệ nữ trí thức DTTS so với nữ trí thức nói chung, tỷ lệ trong số dân người DTTS trên địa bàn còn thấp. Nhiều nữ DTTS vẫn tự ti, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên. Ngoài tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho nữ DTTS, tôi rất trăn trở và quan tâm đến việc xây dựng, thực hiện chính sách đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực nữ người DTTS; quan tâm vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng chính sách”.
Còn mờ nhạt chính sách chuyên biệt cho nữ DTTS
Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Sở Nội vụ nhận định: “Hầu hết cán bộ DTTS có phẩm chất chính trị tốt, nhiệt tình công tác, gắn bó với nhân dân, tích cực học tập nâng cao nhận thức, chuyên môn, năng lực công tác, là hạt nhân tập hợp sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc. Tuy nhiên, cán bộ, công chức DTTS cấp tỉnh 34/1.040 cán bộ, công chức (3,27%); cấp huyện 26/961 cán bộ, công chức (2,7%); cấp xã 207/2.418 cán bộ, công chức (8,56%) là còn rất thấp, chưa đạt tỷ lệ tương đương người DTTS trên từng địa bàn. Chưa có chính sách ưu đãi dành cho sinh viên người DTTS tự thi đậu và đi học mà mới dừng ở việc hỗ trợ kinh phí cho sinh viên DTTS diện hộ nghèo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút, quy hoạch, sử dụng trí thức người DTTS có trình độ và năng lực chất lượng cao”.
Tính đến đầu năm 2019, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS trên địa bàn tỉnh có 267 người, nữ 117 người, chiếm 44%. Trong đó, cấp tỉnh 34, cấp huyện 26 và cấp xã 207 người. Trong cộng đồng người DTTS tham gia công tác xã hội, người Tày chiếm số lượng nhiều nhất với 38%, tiếp đến S’tiêng 21%, Nùng 15%, Khơme 7%... Trình độ chuyên môn sau đại học hiện có 2 người (chiếm 1%); đại học 65%, cao đẳng 5% và trung cấp 23%. Trình độ lý luận chính trị: 3 cử nhân, 20 cao cấp, 109 trung cấp, 124 bồi dưỡng sơ cấp và còn 11 người chưa qua đào tạo. |
Mặt bằng trình độ của đội ngũ nữ trí thức người DTTS thấp hơn so với người Kinh, nên ngoài sự cố gắng của mỗi nữ trí thức DTTS, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để chị em nâng cao trình độ học vấn, khả năng tư duy và khả năng quản lý. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong số 118 chính sách đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi, chỉ có 4 chính sách liên quan đến bình đẳng giới (chiếm khoảng 3,4%). Bên cạnh đó, gọi là chính sách dành cho phụ nữ DTTS nhưng thiếu sự lồng ghép giới và tính đặc thù nên nữ DTTS không tiếp cận được. Nhiều chính sách xây dựng chưa dựa trên “quyền” mà chủ yếu “ưu tiên”, hỗ trợ thụ động nên phụ nữ DTTS chưa phát huy được vai trò làm chủ. Ngoài ra, chính sách chỉ quan tâm đến nhóm phụ nữ DTTS yếu thế, khó khăn là chưa đủ. Bởi vì, nhóm phụ nữ DTTS giỏi giang, thành đạt sẽ là đầu tàu, là tấm gương, là động lực để phụ nữ DTTS nhìn vào và từ đó có khát khao, quyết tâm thay đổi, vươn lên. Ngược lại, với một số dân tộc đặc biệt khó khăn chưa có cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ thì cần có chính sách ưu đãi đặc thù, còn để bản thân chị em tự vươn lên thì rất khó.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho rằng: Việc triển khai luật, các chính sách về giới, bình đẳng giới ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập do rào cản điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, ngôn ngữ, văn hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện bình đẳng giới vẫn còn thiếu sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan hữu quan; cơ chế giám sát đối với các bộ, ngành vẫn còn lỏng lẻo... Vì vậy, cần bổ sung nội dung giới trong vùng DTTS, để từ đó có những chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc, góp phần giảm khoảng cách về giới đối với các vùng, miền và giữa các nhóm dân tộc trong cả nước.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, đội ngũ nữ trí thức các DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy số lượng chưa nhiều và chất lượng chưa đồng đều, song đội ngũ nữ trí thức các DTTS ở Bình Phước cũng đã ngày càng có vị trí, đóng góp quan trọng và là vốn quý của tỉnh. Các chị vừa là nguồn lực của sự phát triển kinh tế, xã hội vừa là thành phần của khối đại đoàn kết các dân tộc. Muốn nâng tầm vị thế nữ DTTS ngoài những chính sách cụ thể, chuyên biệt có tính đặc thù thì tập hợp, quy tụ đội ngũ trí thức người DTTS nói chung và nữ trí thức người DTTS nói riêng cũng cần đẩy mạnh. Từ sân chơi tri thức sẽ tạo điều kiện cho các trí thức người DTTS có cơ hội chia sẻ cũng như lĩnh hội kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong công việc, hoạt động xã hội; bảo vệ quyền lợi và phát triển cho người DTTS. Trước những hiệu quả cũng như thách thức hiện nay, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nữ DTTS, đào tạo nữ trí thức trẻ DTTS là rất cần thiết. Có như vậy mới phát huy được nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của các dân tộc, đặc biệt là năng lực sức sáng tạo của đội ngũ trí thức các DTTS nhằm xây dựng đất nước ngày càng văn minh, phát triển.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065