Cntt - nền tảng của chính quyền điện tử
Theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020, tỷ lệ các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử phải đạt 90%.
Trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ nhà nước, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực. Cụ thể, trang bị 83 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến; sử dụng phần mềm iOffice và phần mềm OneWin Sys quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, đã kết nối, liên thông ngang dọc 4 cấp cho 188 đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh; ngoài ra có 46 đơn vị ngoài công lập đã kết nối vào trục LGSP. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước dưới dạng điện tử ước tính đạt 95%. Đến nay, tỉnh đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 310 cơ quan, đơn vị. Ở cấp tỉnh, cấp huyện có 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính và cấp xã là 71%.
Đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng CNTT. Điển hình, Đồng Phú là một trong những đơn vị đầu tiên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, xã, thị trấn theo hướng hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật CNTT và ứng dụng CNTT của huyện hiện nay đáp ứng trên 70% cho việc triển khai các ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh nói chung, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn huyện nói riêng. Hiện đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 103 thủ tục hành chính mức độ 3; 29 thủ tục hành chính mức độ 4 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng chính quyền điện tử là khâu đột phá
Xây dựng chính quyền điện tử là việc làm cấp bách, mới và khó trong khi tỉnh còn nhiều khó khăn trong thu ngân sách, nhưng những năm gần đây tỉnh đã tăng mức đầu tư cho hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Từ năm 2018-2020, tỉnh đã đầu tư 252 tỷ đồng cho các hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2018 tỉnh đã bố trí 28 tỷ đồng; năm 2019 đầu tư 76 tỷ và năm 2020 con số chi cho đầu tư CNTT lên đến 148 tỷ đồng. Đột phá trong hiện đại hóa hành chính của tỉnh là thành lập Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Mục tiêu giúp lãnh đạo thu thập, phân tích, phản ứng chính xác trước các thông tin về an ninh, chính trị, xã hội… nhằm hỗ trợ trong việc ra quyết định mang tính đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả.
“Nói không với hồ sơ giấy”
Để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, ngày 19-5-2020, tỉnh đã ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ở tất cả các cấp. Đồng thời, đã triển khai xây dựng biểu mẫu điện tử (Eform), hiện đã cập nhật được 883/1.095 biểu mẫu, chiếm 80,64% số thủ tục hành chính có biểu mẫu.
Ông Bùi Gia Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Đối với kết quả tiếp nhận hồ sơ, hồ sơ điện tử, tính đến ngày 31-7 nhận giải quyết 210.205 hồ sơ. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính đã công bố trực tuyến, từ ngày 1-8 đến nay mỗi ngày đều đạt 90%.
Tỉnh đã triển khai trên 10 lĩnh vực theo đúng kiến trúc chính quyền điện tử của Chính phủ quy định. Trong đó gồm các hệ thống: giáo dục, y tế, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát du lịch, giám sát hành chính công, phản ánh hiện trường, điều hành an toàn thông tin, camera an ninh và giao thông, thông tin địa lý, Social listening. Tỉnh đã kết nối với Trung tâm IOC Chính phủ trên 2 lĩnh vực là hệ thống điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hệ thống thông tin địa lý - GIS. 8 lĩnh vực còn lại đến khi khung kiến trúc Chính phủ điện tử hoàn thiện, Trung tâm IOC tỉnh sẽ sẵn sàng kết nối. |
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông |
Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp, gồm: 1 cổng chính và 35 trang thông tin điện tử thành phần. Đã liên thông cung cấp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia được 13 thủ tục mức độ 3, 4; theo lộ trình đến hết năm 2020 có 34 dịch vụ công được cung cấp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết: Lãnh đạo tỉnh xác định cơ sở dữ liệu là nội dung hết sức quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế số, cũng như chính quyền số. Do vậy, đã có chủ trương xây dựng dữ liệu dùng chung đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất tránh dàn trải. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai xây dựng trục liên thông nội tỉnh, đảm bảo tính tương tác 2 chiều giữa người dân và doanh nghiệp. Tất cả ứng dụng phải chạy trên nền tảng nhiều thiết bị như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Từ việc đã ứng dụng cơ sở dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, lĩnh vực đất đai, hành chính, tỉnh đang mở rộng các ứng dụng thành phần để tạo lập một hệ sinh thái toàn diện, góp phần đắc lực cho việc cung cấp thông tin và ra quyết định của UBND tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện để đảm bảo việc hoạch định điều hành một cách khoa học, bền vững theo tinh thần chung của công nghệ 4.0.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065