BP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng bộ máy nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho dân nên tinh giản bộ máy hành chính luôn là mục tiêu cần hướng tới. Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 1-1-2018 đã xác định mục tiêu trong năm 2018 phải giảm 1,7% biên chế công chức so với năm 2015.
Một trong những biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu đó chính là đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT). Nếu Chính phủ truyền thống cần nhiều công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ và sau đó chuyển lên quản lý cấp cao hơn thì trong CPĐT, người dân và doanh nghiệp sẽ tương tác trực tiếp với người có thẩm quyền quyết định. CPĐT với các chương trình tự động đã được “mã hóa” sẽ nâng cao tốc độ xử lý văn bản, các số liệu cần tính toán nên năng suất lao động của cán bộ sẽ tăng lên nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây. CPĐT cho phép thực hiện việc giao ban điện tử, họp trực tuyến nên giảm được nạn giấy tờ. Với những tiện ích đó, chi phí hoạt động của Chính phủ sẽ được giảm đi đáng kể mà năng lực quản lý của Chính phủ lại được nâng lên.
Đồng thời, CPĐT tạo tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng 4.0. Vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển trên nền tảng khoa học, công nghệ nên để có thể tiếp cận xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một giải pháp quan trọng là áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Trong thời đại cách mạng 4.0, yêu cầu đặt ra không chỉ là xây dựng CPĐT mà CPĐT ấy phải có công nghệ tiên tiến nhất, tức là đơn giản nhất, thuận tiện nhất, phổ biến nhất để người dân dễ dàng tiếp cận. Khái niệm “CPĐT thế hệ mới” đã ra đời là vì thế.
Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của CPĐT là một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển hành chính công. Nó tạo ra một phong cách lãnh đạo, điều hành hiện đại, hiệu quả và minh bạch, nâng cao mức độ hài lòng cho nhân dân và doanh nghiệp, khắc phục những điểm yếu cố hữu của hệ thống hành chính truyền thống như nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, bưng bít thông tin. Sự hoạt động của CPĐT sẽ chuyển nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ; chuyển từ quan hệ “xin - cho” sang quan hệ phục vụ, cung ứng dịch vụ hiện đại. Là phương tiện hữu hiệu để đạt được các mục tiêu mà công cuộc cải cách hành chính đặt ra, xây dựng CPĐT là bước đi tất yếu trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam. Nói cách khác, nếu không đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT, công cuộc cải cách hành chính ở nước ta sẽ không thể thành công.
T.S (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065