>> Bài 1: Khởi nghiệp theo tiếng chim trời
“HÊN XUI” NGHỀ DỤ CHIM TRỜI
NGƯỜI TRÚNG LỚN, NGƯỜI THẤT BẠI
BP - Trước khi trở thành trang trại yến sào Thiên Thành, gia đình anh Đinh Quang Nhật ở khu phố 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành bắt tay xây dựng nhà núi để nuôi chim yến hết 2,5 tỷ đồng vào năm 2009. Sau 3 năm dẫn dụ, chờ đợi, chim yến mới rủ nhau về làm tổ. 5 năm sau đó, gia đình anh tiếp tục xây thêm biệt thự vừa dùng cho việc trưng bày sản phẩm, vừa là nhà ở, nhà tiếp khách ngốn hơn 4 tỷ đồng. Đến nay, 2 căn biệt thự nuôi chim yến thuộc trang trại yến sào Thiên Thành mỗi tháng cho thu 50kg tổ. Với giá 25 triệu đồng/kg hiện nay, 50kg tổ yến cho doanh thu 1,25 tỷ đồng mỗi tháng.
Ngôi biệt thự được xây dựng hơn 4 tỷ đồng để trưng bày sản phẩm và nuôi chim yến của trang trại yến sào Thiên Thành
Từ nguồn thu khá cao và ổn định trong nghề kinh doanh nuôi chim yến, trang trại yến sào Thiên Thành đang tiếp tục tái đầu tư xây dựng thêm 7 nhà nuôi yến, chi phí mỗi căn 1,2 tỷ đồng trong 17 ha đất của gia đình. Nếu cộng tất cả nhà nuôi chim yến của hai bên nội, ngoại thì riêng gia tộc của nhà quản lý trẻ Đinh Quang Nhật có trên 30 nhà. Tất cả nhà yến trong khuôn viên của trang trại yến sào Thiên Thành hiện nay đều được lắp đặt hệ thống camera và bộ điều khiển kết nối với điện thoại để quan sát và điều chỉnh âm thanh, ánh sáng cũng như nhiệt độ, độ ẩm của nhà nuôi yến từ xa. Nhờ vậy mà chủ trang trại đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì đều có thể kiểm soát được tình hình hoạt động bên trong nhà yến chỉ cần thông qua một thao tác nhấn nút hoặc nhấp chuột.
Từ một nhà nuôi chim yến với diện tích 280m2 5 năm trước, đến nay chị Dương Thị Tròn ở khu phố 5, thị trấn Chơn Thành nâng lên thành 3 căn với tổng diện tích 800m2. Trong đó, căn nhà yến 280m2 đầu tiên đang cho thu từ 5-6kg mỗi tháng. Với sản lượng như thế, mỗi tháng 280m2 nhà yến cho thu nhập ít nhất cũng 100 triệu đồng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong nghề nuôi chim yến, đầu năm 2017, gia đình chị đăng ký thành lập Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú với số vốn kinh doanh 5 tỷ đồng. Cả gia đình hiện vừa nuôi vừa kinh doanh chế biến sản phẩm từ tổ yến, vừa tư vấn, thiết kế và xây lắp hệ thống nhà nuôi chim yến.
Bên cạnh những nhà yến thành công thì cũng có không ít nhà yến chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Trong khoảng 100 nhà yến tại xã Nha Bích (Chơn Thành) hiện không dưới 10 nhà xây dựng từ 4-5 năm nhưng vẫn chưa có nguồn thu. Thị xã Đồng Xoài được xem là địa bàn dẫn đầu về số lượng nhà yến của cả tỉnh với hơn 100 căn trong năm 2017 nhưng số nhà cho năng suất cao còn đang ở dạng “tiềm năng”.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, toàn tỉnh hiện có 186 nhà yến chưa có sản phẩm để khai thác, trong đó có tới 148 nhà yến xây từ năm 2015 đến nay, dùng máy dẫn dụ nhưng chim yến vẫn không về hoặc về rất ít. Đặc biệt, có 40 căn xây từ năm 2010 đến nay vẫn không thu hút chim yến về làm tổ mặc dù chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ.
TIỀM NĂNG VÀ NGUY CƠ ĐAN XEN
Nghề nuôi chim yến trải đều khắp cả nước. Thực tế rõ ràng đầu tư nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế hơn các ngành nghề chăn nuôi truyền thống khác nhưng hiệu quả không ổn định. “Người may mắn thì được rất nhiều nên tiếp tục đầu tư mở rộng bởi đầu ra rất thuận tiện. Còn người không may mắn thì có thể trắng tay. Thậm chí có nhà đặt máy gọi chim yến thì hàng xóm lại đặt máy gọi chim cú. Tiếng dẫn dụ trong quá trình nuôi chim yến làm ô nhiễm tiếng ồn khiến hai nhà mâu thuẫn dẫn đến mất cả tình làng, nghĩa xóm” - ông Trần Văn Phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết.
Đến tháng 4-2018, toàn tỉnh có 296 nhà dẫn dụ nuôi chim yến. Trong số đó có 178 nhà (chiếm 60%) xây dựng riêng biệt và 118 nhà (chiếm 40%) kết hợp nhà ở và các công trình xây dựng khác để tận dụng dẫn dụ nuôi chim yến. Trong số 296 nhà yến có 110 nhà đã cho sản lượng khai thác khoảng 1.320kg/năm, 186 nhà chưa cho sản phẩm. |
Từ thực tiễn trong quá trình nuôi chim yến cho thấy ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư đã rõ. Còn xét về dịch bệnh từ việc nuôi loài vật hoang dã này chưa xảy ra. Tuy nhiên nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn. Nếu nhà nuôi chim yến được xây dựng biệt lập với nhà ở hoặc các công trình dân dụng khác thì khi xảy ra dịch bệnh, các cơ quan chức năng bao vây, tiêu hủy rất dễ dàng. Còn thả lỏng như hiện nay rất khó kiểm soát. Nhìn ở khía cạnh hoang dã, chim yến không chịu ảnh hưởng tác động của con người. Ngay từ nơi ở, nhà nuôi chim yến không chỉ kiên cố mà còn đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí. Nguồn thức ăn cũng không phụ thuộc vào con người mà phụ thuộc vào quá trình tự tìm kiếm của chim yến trong tự nhiên. Bởi vậy, sản phẩm tổ yến bản thân nó đã tự làm sạch nên được mọi người tin tưởng tiêu dùng. Nếu môi trường nuôi bị ô nhiễm hoặc thiếu nguồn thức ăn thì đàn chim sẽ tự di cư để sinh tồn.
Những năm gần đây, chim yến từ khắp các châu lục di cư về Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên cũng như vùng Đông Nam bộ nói riêng rất nhiều. Chính vì thế, nghề nuôi chim yến đang phát triển rất mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và Đông -Tây Nam bộ. Cùng với diện tích rừng tự nhiên, diện tích cây ăn trái và các loại cây trồng khác là nguồn thức ăn khá dồi dào để chim yến di cư về Bình Phước trú ngụ. Do vậy, nếu quy hoạch hoặc định đoạt vùng nuôi chim yến sẽ là chủ quan bởi chim yến không tuân thủ theo quy hoạch của con người mà dựa vào bản năng sinh tồn vốn có của chúng.
“Trước mắt, việc nuôi chim yến trên địa bàn Bình Phước là tiềm năng rất lớn nhưng trong tương lai lại chứa đựng rất nhiều nguy cơ. Tiềm năng bởi có nhiều nhà yến, trang trại yến trên địa bàn tỉnh khá thành đạt. Nguy là nông nghiệp công nghệ 4.0 sẽ dẫn đến nguồn thức ăn trong tự nhiên của chim yến dần hạn hẹp. Cộng vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra nhưng trước hết môi trường sống sẽ thay đổi. Điều đó bắt buộc chim yến phải di cư để duy trì nòi giống” - Chi cục trưởng Trần Văn Phương phân tích thêm.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tốc độ xây dựng nhà yến trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Năm 2017, cả tỉnh chỉ có 296 nhà nuôi chim yến ở các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng và thị xã Phước Long, Đồng Xoài. Sang năm 2018, hầu hết 11/11 huyện, thị của tỉnh nhà yến mọc lên như nấm và chưa có số liệu thống kê chính xác. Theo thống kê của Hiệp hội Nhà yến Việt Nam, năm 2017, sản lượng tổ yến của Việt Nam đạt 50 tấn, cao nhất từ trước đến nay và vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Hiện một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào việc nuôi chim yến khá thành công. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh đều không thể trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Đơn giản là doanh nghiệp nuôi chim yến chưa xây dựng được thương hiệu hoặc chưa có giấy chứng nhận sản phẩm sạch từ cơ quan chức năng. Trong khi đó, cùng loại sản phẩm tổ yến nhưng Malaysia xuất khẩu với giá 150 triệu đồng/kg, còn sản phẩm tổ yến của các doanh nghiệp trong nước chỉ tiêu thụ quanh mức 35-50 triệu đồng/kg đã qua sơ chế và tùy chất lượng tổ yến.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065