Đã 66 năm trôi qua kể từ ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), những người lính Điện Biên từ lâu đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.
Nhưng ký ức về sự kiện "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" còn sống động trong lòng các nhân chứng của giai đoạn lịch sử hào hùng đó.
Cứ đến những ngày tháng Năm rực lửa thì cựu chiến binh Lưu Bá Chịch (xóm Bản Vạn, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) lại cồn cào nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ, về những đồng đội đang còn sống hay đã mất của mình.
Năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng cựu chiến binh Lưu Bá Chịch vẫn còn minh mẫn và nhớ như in những kỷ niệm ở chiến trường Điện Biên năm xưa. Lật giở từng bức ảnh, xếp ngay ngắn những kỷ vật chiến tranh, người cựu chiến binh già say sưa kể về một thời hào hùng đã qua.
Năm 1950, chàng thanh niên 20 tuổi Lưu Bá Chịch từ giã quê hương Hòa An, lên đường nhập ngũ. Ông thuộc quân số của Trung Đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng), làm liên lạc viên cho đồng chí Chu Huy Mân khi ấy là Chính ủy Trung Đoàn. Sau đó, ông được cử đi học y tá rồi được cử sang đơn vị mới là D1, E98, Đại đoàn 316.
Đầu năm 1954, bộ đội ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Y tá Lưu Bá Chịch cùng đồng đội được điều động lên tỉnh Điện Biên phục vụ chiến đấu tại đồi C2.
Đồi C2 là một trong những cao điểm phía Đông thuộc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của lính Pháp, bức bình phong che chắn hữu hiệu cho Phân khu trung tâm phía dưới lòng chảo Mường Thanh, nơi có cơ quan đầu não của địch và sân bay Mường Thanh. Tại đây thực dân Pháp bố trí hệ thống binh lực, hỏa lực rất mạnh.
Ngày 6-5-1954 đồng thời với trận chiến đấu tại đồi A1, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) tấn công cứ điểm C2.
Ngay từ đầu, lực lượng thọc sâu của đơn vị đã tiêu diệt trận địa pháo, tiến vào trận địa phòng ngự của địch. Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch kéo dài suốt đêm.
Các chiến sỹ Trung đoàn 98 đã anh dũng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa, tiến công chiếm được đồi C2, toàn bộ dãy cao điểm phía Đông đã nằm dưới sự khống chế của Quân đội ta.
Ông Chịch nhớ lại, là y tá phụ trách cứu chữa, băng bó, rửa vết thương cho chiến sỹ ngay trên chiến trường, trong những ngày chiến đấu ác liệt, ngày nào ông cũng phải cứu chữa cho hàng trăm chiến sỹ bị thương.
Sau khi sơ cứu, những chiến sỹ bị thương được chuyển về tuyến sau. Ngày đó, khu điều trị là những đường hầm do công binh làm, đường đi chỉ rộng 1,2m. Hai bên đường đào hàm ếch, khoảng 3m có 1 hàm ếch để cho thương binh nằm.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sỹ quân y có mặt 24-24 giờ ở các bệnh viện dã chiến được dựng lên ngay tại các đường hầm chiến đấu.
Ngoài việc điều trị vết thương, họ còn phải túc trực bên cạnh thương binh tại các hàm ếch để động viên, làm chỗ dựa tinh thần cho các thương binh, chống lưng theo đúng nghĩa đen đối với những thương binh gặp tỉnh trạng khó thở... khiến họ không còn thời gian chăm sóc cho bản thân.
Thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5-1954, trời mưa nhiều, đường lầy lội. Chiến sự ác liệt, thương binh nhiều mà lực lượng quân y lúc đó rất ít.
Người cựu chiến binh già xúc động chia sẻ có đêm chúng tôi có năm người thì phải thay nhau ngồi đến sáng để cho thương binh dựa vào, tay giữ cho vai của bệnh nhân thẳng đứng để dễ thở.
Hàng ngày, chứng kiến nhiều sự "ra đi" của thương binh, bệnh binh, chúng tôi cảm thấy xót xa vì trong điều kiện chiến tranh, không có đủ thuốc men, thiết bị để cứu chữa kịp thời, hiệu quả.
Trong 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, cả ngày lẫn đêm gần như chúng tôi không ngủ, chỉ thỉnh thoảng ngồi chợp mắt cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục công việc cứu chữa thương binh.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nghĩ đến những người đồng đội đã nằm lại, cựu chiến binh Lưu Bá Chịch không nỡ rời xa mảnh đất từng một thời là chiến trường máu lửa nên ông đã ở lại Điện Biên để tham gia xây dựng vùng kinh tế mới.
Năm 1968, ông được đi học tiếp để trở thành bác sỹ và tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước cho đến ngày thắng lợi. Sau đó, ông trở về quê hương ở huyện Hòa An sinh sống và làm việc...
Câu chuyện của cựu chiến binh Lưu Bá Chịch cùng những câu chuyện khác về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là bài học nhắc nhở thế hệ trẻ luôn tự hào và trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc; trân trọng những người đã viết lên trang sử vẻ vang cho đất nước...
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065