Binh chủng vận tải đặc biệt bằng xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: TTXVN)
Để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” không chỉ có công của những người lính thanh xuân đốt cháy mình bằng lời thề non nước. Đằng sau đó còn là cả một hậu phương sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến bằng mọi giá.
Bản người Thái góp gạo nuôi quân
Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km, Mường Phăng những ngày này luôn đông nghịt khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Là nơi đặt Sở chỉ huy Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31-1 đến 15-5-1954), Mường Phăng được ví như trung tâm quyết định toàn bộ thắng lợi của toàn chiến dịch.
Thế nhưng, rất ít người biết, để đảm bảo an toàn cho Sở Chỉ huy có công rất lớn của đồng bào người Thái, Mường và Mông nơi đây. Một trong những “anh hùng thầm lặng” ấy là cụ Lù Thị Đôi, người đã có công lớn trong việc nuôi giấu và tiếp tế cho Sở Chỉ huy chiến dịch 65 năm về trước. Cụ Đôi giờ đã người thiên cổ, nhưng mỗi khi nhắc đến cụ, con cháu cụ vẫn không giấu nổi niềm tự hào.
Đồng bào các dân tộc Thái, Mông bản địa đã góp sức người, sức của để làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dẫn chúng tôi lên ngôi nhà sàn mới dựng ngay gần khu di tích, anh Lường Văn Ánh, cháu nội cụ Đôi bảo: “Tuy cụ mất rồi, nhưng gia đình chúng tôi vẫn giữ lại những bằng khen của cụ từ những năm chiến tranh. Mẹ tôi cũng thường hay kể cho con cháu nghe chuyện về cố.”
Mường Phăng xuân 1954.
Ngày ấy, cụ Đôi đã 40 tuổi và vừa sinh xong người con thứ ba thì bộ đội về bản. Thấy quân Việt Minh về, cả Mường Phăng vui lắm. Đồng bào người Thái, Mông kháo nhau: Ngày Giải phóng sắp tới gần rồi.
Nghe tin, người mẹ ba con đứng ra ven đường, vẫy tay chào đoàn quân đang rùng rùng tiến vào bản nhỏ. Bà khoe với bộ đội: “Chồng em cũng là Việt Minh đang chiến đấu ở Yên Bái đấy. Về đây, có gì khó có dân bản chúng em rồi.”
Ngày ấy, Mường Phăng hoang sơ lắm. Khắp nơi là rừng già trùng điệp núi cây, các bản làng nằm thưa thớt, heo hút dưới những tán cây rừng rậm rạp, ban ngày cũng như ban đêm. Những con đường mòn qua núi chỉ ít người dân bản địa nắm rõ, nếu sơ sẩy ắt lạc đường. Ấy thế nhưng, ngày nào cũng vậy, bà Đôi, lưng địu con, chân trần dẫn bộ đội băng rừng, lội suối đi tìm địa điểm để đào hầm chỉ huy. Cũng đôi chân ấy lại đi khắp các bản làng và vận động tuyên truyền nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.
“Cụ Đôi từng kể lại rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp trực tiếp và giao nhiệm vụ cho cụ làm Trưởng ban Vận động của địa phương, tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ chiến dịch, nhưng cũng phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng,” bà Lù Thị Thanh, con gái cụ Đôi ngồi bên cạnh góp chuyện.
Việc đưa đồ ăn, thức uống cũng phải chờ có lệnh mới được đi, lại phải căn đúng nửa đêm, không được thắp đuốc. Nương theo ngọn đèn đom đóm tù mù, bà Đôi sấp ngửa vượt núi tiếp tế cho Sở chỉ huy.
65 năm sau chiến dịch lịch sử, Mường Phăng đã từng bước thay da đổi thịt (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Ban ngày thì cụ đi đường rừng đến các bản, các xã vận động gom góp thức ăn. Tối về, cụ lại vận động chị em trong bản ngồi đan rổ rá, thúng mủng, coóng khẩu đựng cơm, đan cót cho bộ đội nằm,” bà Thanh tiếp lời.
Nhờ nỗ lực của cụ Đôi, chỉ sau 5 tháng vận động, nhân dân Mường Phăng đã ủng hộ cho chiến dịch được 9 tấn lúa và 5 con trâu, trong đó gia đình bà Đôi còn ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh. Bà cũng là người liên lạc trực tiếp, kịp thời đáp ứng những nhu cầu cần thiết của Sở chỉ huy chiến dịch.
Cũng từ cái nôi Mường Phăng, những mệnh lệnh đã được đưa ra, góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử của toàn chiến dịch.
“Binh chủng vận tải” đặc biệt
Những vị khách ngoại quốc đã từng mắt chữ O, mồm chữ A khi lần đầu tiên đặt chân vào Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhìn những chiếc xe thồ được cải tạo từ những chiếc xe đạp pơ giơ có thể thồ đến 300kg hàng chạy bằng… sức người, hay chiếc nhíp ôtô đã gãy đôi được gia cố lại bằng… tre, họ không thể tin Việt Minh lại là người chiến thắng cuối cùng trong trận chiến 56 ngày ở Điện Biên.
“Du khách nước ngoài, đặc biệt là người Pháp đều rất hứng thú và hiếu kỳ với những chiếc xe đạp – vốn xuất xứ từ chính đất nước họ những đã được quân và dân ta cải biến thành đội quân xe thồ vận tải. Họ gọi đó là điều kỳ diệu và không thể tin nổi,” chị Lê Thị Hồng, hướng dẫn viên của bảo tàng chia sẻ.
Theo số liệu từ bảo tàng, chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 30.000 chiếc xe đạp đã được huy động, trở thành “binh chủng vận tải” đặc biệt cho tiền tuyến và được ví như “vua vận tải” của chiến trường: Không cần nhiên liệu, nhỏ gọn, có thể ngụy trang trong bất cứ tình huống nào hoặc dễ dàng ẩn nấp tránh máy bay trinh sát và khi hỏng lại dễ sửa chữa.
Những chiếc xe thồ có thể chở đến 300kg hàng chạy bằng sức người. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Một chiếc xe đạp thồ có thể di chuyển trên mọi con đường dù là hẹp nhất và có thể vận chuyển được từ 100-300kg hàng hóa nhờ gia cố thêm một số bộ phận để dễ dàng vận chuyển,” chị Hồng giải thích.
Ghi đông xe được buộc một đoạn tre già - chắc bằng cổ tay, dài khoảng một mét. Trục yên xe cũng được gắn thêm một đoạn tre, cao hơn yên xe khoảng 50cm làm tăng sức chịu lực của xe, để vừa giữ thăng bằng cho xe, vừa đẩy xe đi. Ngoài ra, những người dân công vận chuyển còn lót vải thừa, quần áo hỏng, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường rừng núi ghập ghềnh.
“Đặc biệt, đội quân xe đạp thồ cũng được tổ chức và biên chế như quân đội, thành từng đoàn theo từng địa phương lúc cần thiết có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên đường đi; lúc khác có thể phân tán theo tình hình thực tế,” nữ hướng dẫn viên nhấn mạnh.
Nhờ đội quân ấy, chỉ trong một thời gian ngắn, 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm đã được đưa tới chiến trường. Binh đoàn kỳ lạ này còn thiết lập một kỷ lục không chính thức: Chiếc xe đạp chở khối lượng hàng hóa lớn nhất với 325kg hàng hóa. [Xe của ông Ma Văn Thắng ở Thanh Ba, Phú Thọ hiện vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng - PV].
“Chúng tôi vẫn nói với khách nước ngoài: Ở đất nước này, không chỉ xe đạp mới có thể ra chiến trường. Thậm chí, cả bàn thờ tổ tiên vốn là thứ linh thiêng nhất cũng có thể xếp hàng vào trận đánh,” chị Hồng tự hào kể.
Nói đoạn, nữ hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đến địa điểm đặt một trong những hiện vật đặc biệt nhất của bảo tàng: Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa). Do nhà nghèo không có phương tiện vận chuyển lương thực, người đàn ông xứ Thanh đã tự mình đóng chiếc xe. Đóng đến phần bánh thì thiếu gỗ, ông đã dỡ bàn thờ để ghép lại thành bánh. Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng những họa tiết tượng hình mây bay vẫn còn hằn in rất rõ.
Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa) được đóng bằng một phần bàn thờ của gia đình mình
Với chiếc xe này, cụ Bầm đã chở lương thực trên đoạn đường từ kho lương Sánh Lược đi lên phố Cống Trạm Luồng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Từ kho lương này, lương thực đã được chuyển lên mặt trận Điện Biên.
“Rất nhiều bạn nước ngoài đã phải thốt lên trước chiếc xe cụ Bầm rằng: Một dân tộc dám hy sinh một phần tín ngưỡng của mình để đổi lấy tự do, dân tộc ấy xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng chiến thắng,” chị Hồng nói.
"Một dân tộc dám hy sinh một phần tín ngưỡng của mình để đổi lấy tự do, dân tộc ấy xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng chiến thắng"
Về sau, tổng kết lại 56 ngày đêm lịch sử ở lòng chảo Mường Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời tri ân cho lực lượng vận tải có một không hai của hậu phương.
Đại tướng viết: "Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công trình mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong oằn vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú "voi con" đi thoăn thoắt trên đường.
Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng, người Thái, người Dao…, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận." (Trích Điện Biên - Điểm hẹn lịch sử).
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065