Trong tháng 4-2013, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 725 năm ngày chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (1288-2013), đồng thời đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Di tích Lịch sử Bạch Đằng. Khu di tích Bạch Đằng nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng, đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược.
Di tích bãi cọc Bạch Đằng tại Đồng Má Ngựa được phát lộ (Ảnh: T.L)
Ngày 9-12-2013, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 14 di tích. Đây là đợt ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt lần 4. Qua 4 đợt công nhận, cả nước đã có 48 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, Hà Nội đang là nơi có nhiều di tích quốc gia đặc biệt nhất. Di tích lịch sử Bạch Đằng là 1 trong 11 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 3 (ngày 1-10-2012).
|
Dấu tích của trận chiến năm xưa giờ còn lưu lại ở những bãi cọc gần ngàn năm tuổi, đó là: Yên Giang, Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa và nhiều chứng tích lịch sử khác như 2 cây lim giếng Rừng, đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà... Bãi cọc Yên Giang nằm ở cửa sông Chanh, dài khoảng 118m, rộng 20m. Bãi cọc Đồng Vạn Muối nằm ở cửa sông Rút. Bãi cọc Đồng Má Ngựa nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc Đồng Vạn Muối khoảng 1km về hướng Nam, thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Bến đò rừng là nơi Trần Hưng Đạo chọn làm địa điểm khai hỏa hiệu lệnh cho quân sĩ mai phục ở hai bên sông Bạch Đằng đồng loạt tấn công giặc Nguyên Mông. Đền Trần Hưng Đạo là địa điểm lưu niệm vị anh hùng dân tộc, nhà thiên tài quân sự Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Miếu Vua Bà nằm sát đền Trần Hưng Đạo, thuộc khu vực trung tâm của khu di tích. Tương truyền, đây là miếu thờ bà bán hàng nước, người đã chỉ dẫn Trần Hưng Đạo biết lịch thủy triều con nước, địa thế lòng sông Bạch Đằng và chiến thuật hỏa công để Trần Hưng Đạo xây dựng trận địa cọc đánh giặc. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo đã tâu với vua Trần, sắc phong bà bán hàng nước là “Vua Bà” và lập đền thờ ngay trên nền quán nước thuở trước. Đình Yên Giang là nơi thờ Thành hoàng làng Yên Giang. Vào các dịp lễ hằng năm, dân làng Thường rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần về đây để tế lễ. Đền Trung Cốc (Trung Cốc Từ) nằm trên một gò đất cao. Tương truyền, khi đi thị sát địa hình để chuẩn bị cho trận đánh, Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão đã bị mắc thuyền ở đây. Đình Trung Bản là nơi thờ Trần Hưng Đạo. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật giá trị, có niên đại vào khoảng cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, như bộ kiệu bành bát cống, quán tẩy, bia đá, sắc phong... Đình Đền Công là nơi thờ những người đã hy sinh trong trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Ngoài một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu kể trên, trong khu vực di tích hiện nay còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị. (*)
Năm 1991, khu di tích Bạch Đằng được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia; đến tháng 9-2012 được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu Di tích Lịch sử chiến thắng Bạch Đằng nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích để giáo dục, ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm đối với các thế hệ người Việt Nam, hình thành ý thức trách nhiệm và quyết tâm của mỗi người dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoạch định các tuyến du lịch liên kết di tích, đưa các không gian bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể vào quy hoạch chung để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Bạch Đằng.
Đức Hồng
(*) Theo “Lịch sử Việt Nam”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065