Cuộc chiến đã qua 6 thập niên nhưng ký ức về những trận đánh hào hùng năm xưa tại đèo Lũng Lô vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Văn Bích (83 tuổi).
Năm 1947 đi bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc, năm 1951 tham gia chiến dịch Việt - Lào, đến tháng 11-1953 ông Bích chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, trong đơn vị pháo cao xạ thuộc Tiểu đoàn 533. Đơn vị ông chia làm 3 cánh, gồm: đèo Lũng Lô, đèo Cửa Lò, đèo Pha Đin.
Đèo Lũng Lô nơi ông chiến đấu có chiều dài 15km, nằm giữa hai huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và Phù Yên, tỉnh Sơn La. Đây là một trong những đoạn đường huyết mạch tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. “Để nhanh chóng khơi thông tuyến đường huyết mạch này, dân công địa phương, thanh niên xung phong và lực lượng công binh được huy động ngày đêm phá đá mở đường chỉ với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng... Mỗi ngày quân Pháp cho máy bay ném bom, bắn phá từ 5 đến 6 lần. Anh chị em động viên nhau, địch phá, ta lại sửa, phá đoạn này, ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm. Tháng 4, Điện Biên vào mùa mưa. Dưới hầm hào, công sự bùn đất bê bết, nước ngập, không có nước tắm gội, ăn uống kham khổ, phải ngủ ngồi. Vậy mà chỉ sau 200 ngày đoạn đường đã thông. Lương thực, vũ khí vận chuyển vào chiến trường dễ dàng hơn” - ông Bích kể lại.
“Đơn vị tôi được trang bị pháo bắn máy bay tầm thấp và pháo cao xạ tầm cao. Để đưa pháo vào mặt trận, chúng tôi phải tháo rời từng bộ phận, người vác người khiêng. Đường lầy lội, trơn trượt không cản được bước chân những người lính trẻ. Máy bay trút bom như vãi trấu xuống trận địa, nhằm cắt đứt các con đường lên Điện Biên, băm nát các trận địa pháo của ta. Dù gian khổ nhưng các chiến sĩ hành quân vẫn yêu đời, tiếng hát át tiếng bom: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Tôi còn nhớ trong ngày đầu chiến đấu, đơn vị pháo binh của chúng tôi bắn rơi chiếc máy bay tiếp tế lương thực và đạn dược của địch. Thật khó tả tâm trạng của chúng tôi khi đó. Chiếc máy bay bị trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt trên bầu trời rồi lao thẳng xuống mặt đất. Anh em ôm nhau hò reo sung sướng” - ông Bích như sống lại hồi ức.
Kết thúc chiến dịch, ông Bích trở về Hà Nội lập gia đình. Năm 1979, ông cùng gia đình vào Bình Phước làm kinh tế mới. 60 năm đã đi qua, bom đạn chiến trường còn găm lại một phần trong cơ thể, lúc trái gió trở trời vết thương cũ lại khiến ông đau nhức, tai ù. Ông Bích vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Hiện ông đang sống cùng con cháu tại thôn 9, xã Long Hà (Bù Gia Mập).
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065