BPO - Sau những thất bại trên chiến trường miền Nam những năm 1970-1971, Mỹ-ngụy đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục lại tình hình, nhưng vẫn liên tiếp thất bại và bị dồn vào thế bị động cả về quân sự và chính trị. Bước vào năm 1972, với bản chất ngoan cố và ỷ lại tiềm lực chiến tranh còn lớn, đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện mục tiêu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” hòng tạo điều kiện mặc cả với ta chấp nhận một giải pháp có lợi cho mình ở Hội nghị Paris, Pháp.
Thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, lấy Trị Thiên làm hướng tiến công chủ yếu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng) nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu trong Chiến dịch Quảng Trị 1972
|
Lực lượng tham gia chiến dịch có 3 sư đoàn bộ binh (308, 304 và 324), 2 trung đoàn độc lập (48, 27) và 4 tiểu đoàn bộ binh của Quân khu Trị - Thiên, Đoàn đặc công 126 và 10 tiểu đoàn đặc công, 2 trung đoàn xe tăng thiết giáp (202, 203), 7 trung đoàn pháo binh, 3 sư đoàn pháo phòng không (365, 367 và 377) và 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không cùng lực lượng vũ trang địa phương hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Bộ Tư lệnh chiến dịch do hai đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh; Lê Quang Đạo làm Chính ủy.
Chiến trường Trị Thiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược ở miền Trung và Tây Nguyên của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, là nơi đã từng diễn ra các cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, nên địch bố trí ở đây những đơn vị rất thiện chiến: 2 sư đoàn bộ binh (1, 3), 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258), 3 thiết đoàn (20, 11 và 17), 17 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn và 94 đại đội bảo an, 302 trung đội dân vệ...
Trên cơ sở quán triệt phương châm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định ba vấn đề lớn cần tập trung giải quyết: Phá vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài để nhanh chóng đưa lực lượng vào tiến công Đông Hà, Ái Tử, Mai Lộc; phá vỡ hệ thống trận địa pháo binh địch và đánh quân địch cơ động ứng chiến cỡ tiểu đoàn, trung đoàn.
Chiến dịch diễn ra 3 đợt. Đợt 1: Từ ngày 30-3 đến 9-4, ta tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ đường 9, giải phóng 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc địch phải bố trí lực lượng phòng ngự thành 3 cụm (Đông Hà, Ái Tử, La Vang). Đợt 2: Từ ngày 26-4 đến 2-6, ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Đợt 3: Từ ngày 20 đến 27- 6, ta tiếp tục phát triển tiến công về Nam sông Mỹ Chánh, nhưng địch tăng cường lực lượng dự bị chiến lược, thực hiện phản kích tái chiếm Quảng Trị. Do lúc này bắt đầu mùa mưa, việc vận chuyển vật chất bảo đảm cho chiến dịch gặp nhiều khó khăn, sức chiến đấu của bộ đội giảm sút, nên Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch tiến công.
Kết quả, trong toàn chiến dịch ta đã loại khỏi chiến đấu 27.458 tên, bắt 3.388 tên, phá hủy và thu 636 xe tăng, xe thiết giáp, 1.870 xe quân sự, 429 khẩu pháo các loại, bắn rơi và phá hủy 340 máy bay, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược đề ra.
Chiến dịch tiến công Quảng Trị giành thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị và quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên chiến trường miền Nam, lần đầu tiên ta tiến hành thắng lợi một chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch; tiêu diệt nhiều trung đoàn, đánh quỵ một sư đoàn quân ngụy; giải phóng hoàn toàn một tỉnh. Về nghệ thuật chiến dịch, nét nổi bật là ta tạo được ưu thế và chủ động duy trì thế tiến công suốt quá trình chiến dịch. Vấn đề này thể hiện ngay từ việc chọn đúng hướng tiến công chủ yếu và xác định khu vực tiến công chủ yếu. Ta đã chọn hướng Tây và Tây Bắc, nơi tuy địch tương đối mạnh, song hướng này là hướng ta có điều kiện triển khai lực lượng lớn, nhất là binh khí kỹ thuật và có điều kiện bảo đảm vật chất trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Trong điều hành chiến dịch, ta còn kết hợp chặt chẽ giữa tiêu diệt địch và phá thế phòng thủ của chúng, vừa tổ chức đột phá mạnh vừa tổ chức thọc sâu, vu hồi, chia cắt để nhanh chóng tiêu diệt địch.
Thắng lợi của chiến dịch tiến công Trị Thiên cùng với các hướng tiến công khác tạo ra cục diện mới trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972, trong đó trực tiếp là tạo thế và lực cho ta tiến hành chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (28-6-1972 đến 31-1-1973) thắng lợi, góp phần buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp địch Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoàn bình ở Việt Nam.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065