BPO - Tây Bắc có vị trí chiến lược đối với vùng Bắc Đông Dương, ở đây quân Pháp có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, khống chế bên sườn, sau lưng và chia cắt giữa Việt Bắc với Liên khu 3, đồng thời che chở cho chúng ở Thượng Lào. Tuy nhiên, lực lượng địch ở đây mỏng và yếu, chúng có 8 tiểu đoàn, trong đó có 5 tiểu đoàn ngụy Thái và 3 tiểu đoàn cơ động Âu-Phi. Ngoài ra, còn có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng. Địch chia làm 4 phân khu đóng, rải ra trên 144 cứ điểm cấp trung đội, đại đội, riêng ở Nghĩa Lộ, Mộc Châu, mỗi nơi có một tiểu đoàn.
Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu BTLSQG |
Căn cứ vào thế và lực giữa địch, ta trên chiến trường và đề nghị của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu,đầu tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc- giải phóng một phần đất đai [1]. Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, hai đại đoàn 320 và 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3. Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt.
Đợt 1: Từ ngày 14 đến 23-10, tiến công phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, đập tan toàn bộ phòng tuyến vành ngoài của địch từ hữu ngạn Sông Thao đến tả ngạn Sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai.
Đợt 2: Từ ngày 7 đến 22-11, ta vượt Sông Đà, tiến công hệ thống phòng ngự của địch trên cao nguyên Mộc Châu, buộc địch ở thị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản.
Đợt 3: Từ ngày 30-11 đến 10-12, ta tiến công Nà Sản không thành và kết thúc chiến dịch.
Kết quả, ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên, diệt gọn 4 tiểu đoàn và 28 đại đội địch, giải phóng khoảng 28.500km2 và 25 vạn dân.
Bộ đội ta truy kích quân Pháp trên đường 41 trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. |
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta. Về nghệ thuật quân sự chiến dịch Tây Bắc có bước phát triển mới, thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
Trước hết là, tập trung lực lượng tổ chức tiến công liên tục đột phá tiêu diệt từng khu vực phòng ngự gồm nhiều cứ điểm có công sự vững chắc. Địch ở Tây Bắc bố trí trên một khu vực rất rộng, chúng tổ chức thành các cụm cứ điểm then chốt như Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Lai Châu tạo lá chắn bảo vệ khu trung tâm Sơn La, Lai Châu. Ngoài ra, để bảo đảm tính cơ động và vững chắc chúng còn tổ chức nhiều cứ điểm nhỏ xung quanh.
Bộ đội xung kích đột phá đồn Pú Chạng trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu BTLSQG |
Để phá thế phòng ngự, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra cách đánh: Tập trung lực lượng phá vỡ một số khu vực then chốt, buộc địch rút chạy tạo thời cơ cho ta tiêu diệt địch ngoài công sự, tạo thế phát triển chiến dịch. Trong đợt 1, ta sử dụng 2 đại đoàn, 1 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh chiến dịch tiến công vào một loạt cứ điểm: Ca Vịnh, Sài Lương, Cửa Nhì và tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo, phát triển tiêu diệt cụm cứ điểm Pú Chạng- Nghĩa Lộ, đập tan phòng tuyến vòng ngoài của địch ở Tây Bắc. Đợt 2, ta sử dụng 3 đại đoàn thiếu (6 trung đoàn) và pháo binh chiến dịch tiêu diệt các cứ điểm Mộc Châu, Bản Hoa, Ba Lay, Mường Lụm...phá vỡ lá chắn của địch trên Đường số 41. Đồng thời sử dụng lực lượng cơ động tiến công tiểu đoàn dù số 6 khi đổ quân xuống Tú Lệ và truy kích chúng rút chạy đến đèo Cao Phạ. Chọn đúng và tập trung lực lượng ưu thế đập vỡ các khu vực then chốt, hiểm yếu, ta đã nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng ngự của địch, làm rối loạn chỉ huy, tạo ra thế phát triển chiến dịch.
Đồn Sơn Bục ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị quân ta tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. |
Chiến dịch Tây Bắc ta đã hoàn chỉnh các hướng tiến công, phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, hình thành thế bao vây địch. Trong đợt 1, hướng chủ yếu tiến công vào sở chỉ huy phân khu ở Nghĩa Lộ, hướng thứ yếu tiến công tiêu diệt tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo và hướng phối hợp từ Lào Cai tiến xuống giải phóng Quỳnh Nhai. Sang đợt 2, hướng chủ yếu tiến công là Mộc Châu. Trong khi đó, hướng vu hồi chiến dịch từ Quỳnh Nhai đánh chiếm Lai Châu, Tuần Giáo, Thuận Châu, Điện Biên. Như vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa các hướng tiến công đã tạo thế và lực cho chiến dịch phát triển thuận lợi đạt mục đích đề ra.
Hai là, thực hiện nghi binh chiến dịch một cách hoàn hảo. Ở chiến dịch Tây Bắc lần đầu tiên ta có cả một kế hoạch nghi binh hoàn chỉnh. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng lực lượng vũ trang địa phương mang tên các đại đoàn chủ lực và vào vị trí bố trí ở vị trí của các đơn vị này; sử dụng vô tuyến điện với các tần số liên lạc của các đơn vị này để nghi binh lừa địch; đồng thời, tổ chức tập trung dân quân tiến hành các cuộc chuyển quân rầm rộ ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, cùng thời điểm đó đưa hai Đại đoàn 304 và 320 vào vùng địch hậu hoạt động. Trong quá trình thực hành chiến dịch, ta vẫn tiến hành nghi binh, bảo mật làm cho địch bất ngờ về hướng tiến công. Ngày 7-11, Trung đoàn 165 ở hướng thọc sâu nổ súng đánh Quỳnh Nhai. Địch tưởng đây là hướng chính, lập tức điều 2 tiểu đoàn lên Lai Châu và tăng viện cho Nà Sản 2 tiểu đoàn. Trong khi đó, trên hướng chủ yếu (Nam Sơn La), các trung đoàn của ta vượt sông Đà, bí mật triển khai lực lượng đánh địch thắng lợi. Khi kết thúc chiến dịch, khi phần lớn lực lượng chủ lực của ta đã rời Tây Bắc, rút về hậu cứ thì chúng vẫn tin rằng ta tập trung lực lượng tiến công Nà Sản… Như vậy, với nghệ thuật nghi binh chiến dịch một cách hoàn chỉnh, ta đã làm cho quân Pháp mất phương hướng, lúng túng, bị động đối phó dẫn đến thất bại trong chiến dịch Tây Bắc. Chính vị Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, Henri Nava sau này trong hồi ký của mình cũng đã thừa nhận: “Chưa bao giờ chúng ta dự kiến một cách nghiêm túc rằng, sẽ có một ngày Việt Minh lại có thể mở một chến dịch lớn ở một nơi ngoài đồng bằng Bắc Bộ. …”1.
Quân dù Pháp rút chạy về phía sông Đà ngày 22-10-1952. Ảnh tư liệu |
Ba là, cùng với các hoạt động nghị binh, lừa địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã sự chỉ đạo phối hợp hoạt động tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương với bộ đội chủ lực. Khi ta thực hành chiến dịch, hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương đã phát huy hiệu quả trong cả 3 đợt của chiến dịch.
Chiến thắng Tây Bắc đã góp phần làm thay đổi hình thái chiến trường, ta giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược, lực lượng vũ trang tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn hơn. Đặc biệt thắng lợi của chiến dịch, rèn luyện bộ đội ta quen với cách đánh hệ thống cứ điểm mạnh của địch, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch làm cơ sở tiến lên mở các chiến dịch trong những năm tiếp theo giành thắng lợi to lớn hơn.
[1] Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu XB 1963; t.r2
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065