Thanh Huyền và hai con trong mái ấm nhỏ ở Trường ĐH Thể dục thể thao trung ương 2 (TP.HCM)
Và đến nay vẫn rất ít người biết Thanh Huyền đã về đích trên chiếc xe đạp do một người Thái Lan không quen biết cho mượn trước giờ thi đấu chỉ 20 phút...
Câu chuyện thú vị về chiếc HCV lịch sử ấy dường như chưa được nhắc đến. 16 năm, Thanh Huyền từ một VĐV trẻ nay đã là bà mẹ hai con ở tuổi 38. Còn vị ân nhân người Thái Lan năm xưa, dù luôn nhắc nhớ trong lòng nhưng Huyền không thể biết đó là ai, đang ở đâu để tìm. Cho đến khi phóng viên Tuổi Trẻ nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ nước Mỹ.
“Cảm giác như những người thân lâu ngày sắp gặp nhau. Tôi dự định trở lại VN vào năm 2016 và chắc chắn tôi sẽ phải tìm gặp lại Huyền |
SEKSON AROONPONG |
Cứu tinh ở “phút 89”
Người gọi cho phóng viên Tuổi Trẻ là anh Tài Thắng và chị Ngọc Lan, hai phóng viên người Việt đang làm cho một tờ báo tại Mỹ. Anh Thắng cho biết thông qua một Việt kiều Mỹ là chị Tuyết Sanlzman, một người Thái Lan có tên Sekson Aroonpong (tên thường gọi là Art) đã nhờ chị Tuyết Salzman tìm một cô gái là Nguyễn Thị Thanh Huyền, VĐV đua xe đạp của VN từng đoạt HCV SEA Games 20 tại Brunei bằng chiếc xe đạp do Art cho mượn.
Không có gì khó khăn, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với Huyền và thông qua hai phóng viên tại Mỹ chuyển cho Art số điện thoại của cô. Để rồi sau 16 năm “lạc nhau” trên đường đua ở Brunei, Thanh Huyền đã tìm được ân nhân Sekson Aroonpong, người mà khi đó cô thậm chí còn chưa kịp biết tên, vào những ngày đầu tháng 9-2015.
Tuổi Trẻ và những tờ báo thể thao trong nước đã viết hàng trăm bài báo về Huyền - nữ VĐV vô địch bốn kỳ SEA Games ở nội dung xe đạp địa hình từ năm 1999. Nhưng câu chuyện về chiếc xe đạp được cho mượn làm nên kỳ tích đầu tiên của xe đạp địa hình nữ VN ở đấu trường khu vực vẫn làm chúng tôi bất ngờ. Gặp lại Huyền khi cô vừa tranh thủ chat Zalo với Art xong, Huyền nói mấy ngày nay nhờ sự liên hệ của các nhà báo, tìm lại được anh Art cô rất vui, như một đứa trẻ tìm lại được món quà quý bị thất lạc. Ký ức về vị ân nhân người Thái chỉ bất ngờ xuất hiện trước giờ đua 20 phút được Huyền nhớ lại như câu chuyện cổ tích trên đường đua Brunei.
“Tôi nhớ rõ đêm trước ngày thi đấu, HLV người Nga Yuri Dmitriev và chuyên gia xe đạp Huỳnh Châu đã sửa xe cho tôi đến 4g sáng nhưng không ăn thua. Đó là chiếc xe vốn để đua đường trường, do một nhóm người Mỹ tặng lại cho CLB Hà Nội và tôi được mượn. Nó không có phuộc nhún để đua địa hình và thường xuyên hư hỏng” - Huyền bắt đầu câu chuyện tréo ngoe lúc ấy.
Nhưng thực tế chiếc xe đạp cọc cạch của Huyền đã lọt vào mắt của Art (khi đó là phóng viên tờ Mountain Bike Thailand Magazine, tạp chí chuyên về xe đạp địa hình tại Thái Lan) từ nhiều ngày trước. Art quan sát Huyền rất kỹ và biết “cô không thể về đích được chứ đừng nói chiến thắng với chiếc xe đạp của mình” - như lời Art nói sau 16 năm. Bất chấp việc trên đường đua địa hình năm ấy có đến ba VĐV của Thái Lan, trong giây lát anh chàng phóng viên người Thái đã đến đưa chiếc xe đạp có phuộc màu cam chuyên đua địa hình hiệu Wheeler mà anh xách từ Thái Lan sang và nói với HLV Dmitriev: “Cô gái này cần được thi đấu, cô ấy xứng đáng với một cơ hội”.
Ngạc nhiên nhưng không chút ngần ngừ, HLV Dmitriev nhận ngay chiếc xe đạp và vẫy Huyền lại đạp thử. “Tôi đạp thử hai vòng và thấy rất khác. Cho dù từ phanh đến líp của chiếc xe này không giống xe tôi tập hằng ngày, chỉnh được là cả vấn đề. Nhưng hai thầy trò quyết định nhận chiếc xe” - Thanh Huyền nhớ lại.
Đã ngồi trên chiếc xe đạp đúng chuẩn địa hình, nhưng Thanh Huyền nói cô vẫn như “trên mây” lúc trọng tài báo lệnh xuất phát. Khi các VĐV khác đã xuất phát hơn 50m thì Huyền vẫn chưa nhích một mét nào. Cho đến khi HLV hét lên: “Huyền chạy đi” thì cô mới lao bắn đi. Với chiếc xe của một người không quen biết, Huyền đã nhanh chóng bắt kịp tốp đầu sau 2km, và khi qua 3km thì Huyền vượt lên dẫn đầu. Năm vòng đua với 25km địa hình, cô gái VN nhỏ bé cứ băng băng dẫn đầu với chiếc xe cho mượn của một người Thái. Và cuối cùng Huyền về đích đầu tiên, hơn VĐV về nhì người Thái Lan bảy phút, gần bằng cả một vòng đua.
“Khi ấy cả đoàn VN lao ra ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Tôi chỉ kịp gặp anh Art nói một lời cảm ơn, chụp chung một tấm hình rồi bước lên bục nhận huy chương. Còn anh Art dắt chiếc xe đạp ấy rời đi... cho đến bây giờ vẫn chưa gặp lại nhau” - Huyền nhớ lại.
Sekson Aroonpong và VĐV Nguyễn Thị Thanh Huyền cùng chiếc xe đạp sau khi Huyền giành chiến thắng tại Brunei, tháng 8-1999 - Ảnh: nhân vật cung cấp
Chiếc HCV ở Brunei như một động lực giúp Huyền trở thành nữ VĐV kỳ cựu của làng xe đạp VN. 16 năm trôi qua, Huyền chưa gặp lại Art, không biết gì về Art, ký ức về người đàn ông Thái Lan tốt bụng được Huyền cất giữ bằng sự hàm ơn và những tấm hình mờ nét còn giữ lại. Nhưng trái lại, Art từng gặp và vẫn âm thầm dõi theo tin tức về Huyền.“Tình bạn lâu năm”
“Cũng từ cuộc gặp gỡ thú vị đó, tôi có một cảm giác thân thiết với riêng Huyền và người VN. Tôi tìm cách dõi theo sự nghiệp của Huyền nhiều năm sau đó bằng cách đọc các website, báo chí của VN. Tôi không biết tiếng Việt nhưng vẫn đọc được nhờ sử dụng Google dịch. Tôi rất vui khi biết sau chiến thắng trên đất Brunei, Huyền còn giành thêm 3 tấm HCV SEA Games nữa” - Art chia sẻ.
Và như bao câu chuyện nghĩa tình của người Việt, không muốn được hàm ơn, dù từng gặp Huyền ở kỳ SEA Games sau đó tại Malaysia năm 2001 nhưng Art chỉ đứng từ xa quan sát chiến thắng của Huyền (khi đó đã được trang bị chiếc xe đạp đúng chuẩn cho riêng mình). “Tôi không muốn Huyền biết đến sự hiện diện của tôi” - Art kể về lần thứ hai cũng là lần cuối cùng gặp Huyền.
“Cho đến khi tôi sang VN năm ngoái, khi ấy tôi bỗng nhiên nghĩ đến việc gặp lại Huyền, cảm giác thật thú vị, giống như khao khát gặp lại một người em gái thân thiết vậy. Tôi tìm nhiều cách nhưng không gặp được Huyền. Hai tháng sau đó, tôi gặp được Tuyết Salzman, một phụ nữ người Việt và cô ấy hứa sẽ giúp tôi. Và bây giờ qua các nhà báo, tôi đã liên lạc được với Huyền” - Art kể về hành trình của mình.
16 năm, thời gian đã làm thay đổi quá nhiều cuộc sống của Thanh Huyền và Art. Huyền giờ đang là giảng viên ĐH Thể dục thể thao trung ương 2, một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ sau khi chồng bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông. Còn Art cũng không còn gắn với cuộc chơi xe đạp. Anh rời tờMountain Bike Thailand Magazine. Sau khi gia đình riêng tan vỡ, Art lưu lạc qua Mỹ làm việc cho một nhà hàng tại Hailey, bang Idaho (Mỹ).
Nhưng cũng như Thanh Huyền luôn mang trong lòng ký ức về sự hào sảng của một người Thái Lan đã giúp cô chiến thắng, Art vẫn mang theo chiếc xe đạp có phuộc màu cam đã cho Huyền mượn 16 năm trước sang đất Mỹ. Hằng ngày anh vẫn rèn luyện thể thao bằng chiếc xe đạp ấy và nhớ mãi về chiến thắng của Huyền. “Chiếc xe vẫn còn tốt, vẫn mới như 16 năm trước” - Art kể lại với Huyền ngay trong những dòng chat Zalo đầu tiên.
“Tôi đã làm điều đúng đắn” Đó là lời Art tâm sự với Tuổi Trẻ 16 năm sau ngày anh cho Thanh Huyền mượn chiếc xe đạp và đánh bại chính những VĐV Thái Lan để đoạt HCV SEA Games 20. Art chia sẻ anh cũng như đoàn Thái Lan thật sự thất vọng vì đội nhà không thể giành chiến thắng. Thậm chí một VĐV xuất sắc trong đội đua của Thái còn là bạn thân của anh. Nhưng Art nói: “Tôi tin rằng mình đã làm một điều đúng đắn. Thể thao là một cuộc chơi và phải có sự công bằng cho tất cả. Huyền đã chứng tỏ cô ấy là người nhanh nhất, giỏi nhất”. |
NguồnTTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065