Chị nhắm mắt hình dung cảnh con gái đứng giữa lớp để cho đám con trai, con gái cầm bút lông ký vào mông, vào ngực áo mà cơn giận đùng đùng nổi lên. Nhìn con gái hớn hở xoay ngang, xoay dọc ngắm nhìn trước gương, chị quát to, thay áo ra ngay. Con bé đang tươi cười rạng rỡ giật mình mở to cặp mắt lay láy nhìn chị và hỏi lại, mẹ nói gì cơ? Chị nhắc lại, thay áo ra ngay và ngồi phịch xuống ghế.
Những dòng lưu bút bày tỏ tình cảm, những chữ ký kỷ niệm trên áo không thể lưu giữ lâu bền bằng cuốn sổ nhỏ (ảnh minh họa) - Ảnh: Việt Văn
Chị không phải là người cổ hủ, lạc hậu quá mức. Chị hiểu và có thể cảm thông cho những trò “nhất quỷ nhì ma” thời nay của con gái cùng đám bạn bè của nó. Chị vẫn cho phép con thi thoảng đưa bạn về nhà tổ chức nấu chè, nấu bún và xì xụp ăn uống. Chị vẫn cười khi chúng ghép đôi với nhau và gọi nhau là “chồng”, là “vợ”. Nhưng còn chuyện con gái hơ hớ, mặc áo dài trắng mong manh mà đứng giữa lớp để bạn bè ký vào những chỗ “hiểm” thì không thể nào chấp nhận được. Thời của chị, vào mùa thi cuối cấp, mỗi người chỉ đóng một cuốn sổ nhỏ, trang trí ngoài bìa và trang đầu bằng những hình vẽ hoa bướm và viết nắn nót những câu danh ngôn, câu thơ mà mình yêu thích. Cuốn sổ ấy sẽ được chuyền tay nhau để ghi cảm nhận của mình về bạn bè, thầy cô, trường lớp; đôi khi có cả những “thông điệp” là “tôi thích bạn”. Nhờ cuốn lưu bút, bạn bè có thể viết vào đó biết bao câu chuyện học trò, cả những điều không dám nói bằng lời. Chị đã rất vui khi nhận lại cuốn sổ, lật giở từng trang để đọc những điều bạn bè tâm sự. Có những câu chuyện tưởng đã ngủ quên lại được bạn bè khơi gợi lại. Chị từng thấy sống mũi cay cay khi nhìn thấy những dòng chữ nhòe đi vì nước mắt của bạn bè. Với chị, mỗi trang lưu bút là một thước phim quay chậm về quãng đời đáng nhớ của tuổi học trò, để khi xem lại thấy thương yêu, giận hờn đủ hết... Ngoài việc ghi lưu bút, các tổ, các lớp còn góp tiền rủ nhau chụp hình tập thể và chụp theo nhóm bạn thân. Những tấm hình đen trắng khổ 6x9cm mà mỗi gương mặt người trông chỉ bằng hạt đỗ, giờ đã bị bong tróc loang lổ. Chỉ thế thôi, vậy mà mấy chục năm qua, cuốn lưu bút ấy vẫn được chị trân trọng lưu giữ. Bây giờ nó đã bị bong bìa, tróc gáy, vài trang rách nát sau những lần xê dịch chỗ ở. Và cuốn sổ cũng dày thêm lên bởi những lá thư của bạn bè gửi cho nhau suốt mấy chục năm qua.
Bây giờ, học trò chia tay nhau khác xưa nhiều lắm. Có đến 1.001 cách để mỗi học trò tìm cho mình một cách chia tay độc đáo. Không còn là những cuốn lưu bút cá nhân, bây giờ nhiều bạn trẻ chọn cách cùng nhau viết chung một cuốn lưu bút khổng lồ. Trên cuốn sổ đặc biệt ấy, không chỉ có những dòng yêu thương nhắn nhủ cho nhau mà còn chứa biết bao lời tri ân gửi đến thầy cô. Những cuốn lưu bút khổng lồ thường sẽ được học sinh gửi tặng nhà trường để đưa vào phòng truyền thống. Và sau này có dịp quay lại, mỗi người sẽ đứng trước cuốn sổ đặc biệt ấy, lần từng góc nhỏ để tìm lại dấu ấn của mình, của bè bạn.
Cho dù là sổ lưu bút khổng lồ thì đó cũng chỉ là cách làm “truyền thống”. Tiêu chí của những kỷ niệm chia tay tuổi hồng giờ đây là càng “độc”, càng “hot” càng nhớ nhau nhiều. Ở nhiều trường các bạn trẻ không còn đủ kiên nhẫn ngồi viết những bài thơ, những dòng cảm xúc vào sổ tay cho bạn bè nữa. Vừa nghe chị kể chuyện “ngày xưa...”, con gái đã xua tay rối rít. Nó bảo thời của mẹ “xưa rồi diễm”. Giờ không ai còn làm cái trò “sến như con hến” thế nữa đâu! Vậy các con làm gì? Ôi trời, chúng con có nhiều trò lắm. Chúng con làm kỷ yếu, làm video/clip. Có lớp bỏ ra hàng tháng trời đưa nhau đến những nơi có nhiều cảnh đẹp để quay phim, chụp hình và dựng thành những đoạn phim ngắn. Rồi con gái kể, với tiêu chí “sốc” và “độc”, có lớp trong trường rủ nhau đến chơi ở một hồ nước rồi nháy nhau bất chợt tóm lấy một bạn quẳng xuống hồ. Con gái kể rồi cười giòn tan như vừa được chứng kiến một cảnh tượng thú vị. Còn chị chợt nghĩ, nếu không may quẳng bạn xuống hồ mà bạn không biết bơi hoặc bị va vào chướng ngại vật thì không biết điều gì sẽ xảy ra!?
Mùa thi, mùa chia tay của tuổi học trò đang đến gần. Và thời nào cũng thế, những trò quậy phá kiểu học trò luôn gây bất ngờ cho mọi người. Tuy nhiên, những trò như quẳng bạn xuống hồ hay ký lưu bút vào ngực, vào mông áo, thậm chí là hôn vào mông các bạn nữ sinh là những trò rất phản cảm. Các bậc phụ huynh cùng nhà trường cần nhắc nhở các em có ý thức bảo vệ cơ thể, chống các hành vi xâm phạm dù là vô ý hay cố ý. Để hạn chế những vụ việc xâm hại trẻ em đáng tiếc đang rộ lên trong thời gian gần đây thì bản thân mỗi học sinh phải ý thức được thế nào là xâm hại để tự bảo vệ mình cũng như tránh có những lỗi vô ý gây ra cho bạn bè, người thân.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065