Nghe chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nhìn thấy nét độc đáo của hoa văn trên tấm thổ cẩm mới dệt, chị Thị Chanh vào buồng bê ra một chồng khăn, áo, váy, xà rông... trông thật rực rỡ, bắt mắt và chỉ chúng tôi xem từng đường nét hoa văn cầu kỳ trên mỗi sản phẩm. Đam mê nghề dệt, tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên chị Thị Chanh luôn tranh thủ thời gian ngồi vào khung cửi. Chỉ một khung dệt đơn giản, những cuộn len, sợi chỉ, dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện chị đã dệt nên rất nhiều tấm thổ cẩm tinh xảo không “đụng hàng”.
Chị Thị Chanh thích thú với những hoa văn mình tạo ra
Hơn hai tháng qua, nghệ nhân Thị Chanh đều đặn mỗi ngày trực tiếp hướng dẫn 30 phụ nữ trong xã An Khương về kiến thức dệt thổ cẩm. Anh Điểu Lưu ở tận xã Lộc Điền (Lộc Ninh) cũng 2 lần/tuần chở vợ đến lớp học. Anh Lưu nói: “Nhìn chị em dệt tôi thích lắm! Tôi muốn vợ biết dệt rồi dạy cho con, như thế mới giữ được nét riêng của người Xêtiêng”.
Anh Lê Đức Kiệm, cán bộ dân tộc - tôn giáo xã cho biết: “An Khương có hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đào tạo lại nghề dệt thổ cẩm để người dân có thêm thu nhập, nhất là các hộ nghèo, là việc làm thiết thực. Tuy nhiên, do tác động khách quan và nếp sinh hoạt thay đổi nên nhiều gia đình không còn gắn bó. Ban đầu, việc vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia lớp học dệt thổ cẩm gặp nhiều khó khăn, nhưng khi được chúng tôi giải thích nếu chị em tạo ra sản phẩm có giá trị thì sẽ có những đơn vị kinh doanh đến mua. Điều đó khiến họ háo hức và tham gia rất đông”.
Chị Thị Chanh cho biết: “Không chỉ kiên trì, nhẫn nại mà phải khéo léo mới tạo ra những tấm thổ cẩm đẹp. Người mới học trong 1 tháng sẽ biết cơ bản, 2 tháng dệt được tấm thổ cẩm đơn giản. Người giỏi thì 10 ngày dệt được một tấm xà rông. Người khéo tay sẽ có cách bắt bông độc đáo. Bắt bông là công đoạn khó nhưng lại hấp dẫn người thợ nhất, đặc biệt với thợ giỏi thì họ càng thích sáng tạo nhiều mẫu khác nhau”.
Khuyến khích và đưa được phụ nữ Xêtiêng trở lại nghề dệt thổ cẩm là thành công đầu tiên của quá trình lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng để tạo sự bền vững là không dễ, bởi yếu tố thị trường, gắn sản xuất với đầu ra sản phẩm để mỗi học viên đều sống được với nghề là rất khó. Đây là vấn đề quan trọng cần sự hỗ trợ đắc lực từ các ngành chức năng, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thanh Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065