(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
- Xin ông cho biết tại sao lại cần phải ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 69/2013/QĐ-TTg?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2016, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, đánh giá việc thực hiện Quyết định 69. Sau nghiên cứu, bên cạnh những điểm tích, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã nhận thấy Quyết định 69 đã bộc lộ một số tồn tại cần xem xét, thay đổi.
Cụ thể, Quyết định số 69 quy định giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào biến động, các thông số khác chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện bình quân sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán.
Theo đó, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân theo các thông số đầu vào cơ bản trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm theo biến động thông số đầu vào các khâu chưa được tách bạch rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm khi thực hiện điều chỉnh giá điện.
Việc tách bạch rõ cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và hàng năm tại quyết định mới sẽ đảm bảo công khai minh bạch giá điện và yêu cầu quản lý giá điện theo nguyên tắc thị trường.
Trong giai đoạn 2013-2016, hoạt động điện lực có một số thay đổi như việc triển khai thị trường phát điện cạnh tranh từ 1-7-2012, chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ban hành qui định về các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ trong hệ thống. Quyết định thay thế Quyết định 69 cần có thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, quy định về ngưỡng điều chỉnh giá điện ở mức tối thiểu 7% được cho là cao, mỗi lần điều chỉnh có tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Mặt khác, việc chỉ điều chỉnh giá bán điện bình quân khi giá điện tăng từ 7% trở lên sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 đã quy định giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng.
Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị quy định EVN có thẩm quyền trong điều chỉnh giá điện ở một mức độ nhất định để phù hợp với Luật Điện lực và phù hợp với định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.
Trước yêu cầu của xã hội thì trong quy định mới cần bổ sung tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá điện, nâng cao sự công khai minh bạch của giá điện. Do đó, để khắc phục những điểm nêu trên, việc rà soát, xây dựng Quyết định thay thế Quyết định số 69 là cần thiết.
- Ông có thể cho biết những thay đổi chính trong Quyết định 24/2017/QĐ-TTg vừa được ký?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quyết định số 24 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và sửa đổi, bổ sung Quyết định số 69 với các nội dung chính. Gồm: Thứ nhất, quy định rõ cơ chế điều điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm theo biến động các thông số đầu vào cơ bản và cơ chế điều chỉnh giá điện hàng năm theo biến động thông số đầu vào của tất cả các khâu (qui định tại khoản 1 Điều 3).
Thứ hai, bổ sung Điều 4 về Phương pháp lập giá bán điện bình quân, quy định các thành phần chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Thứ ba, sửa đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân tại Điều 4 Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo hướng Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thứ tư, bổ sung quy định về chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát và công bố thông tin.
- Vậy chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam có tiếp tục được kiểm tra và công khai không?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg thì hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề.
Trong quá trình kiểm tra có thể mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội liên quan, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tham gia. Bộ Công Thương được mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng quy định rõ thời gian công khai, nội dung kiểm tra cần công khai để các cơ quan quản lý và người dân tham gia theo dõi và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN.
- Theo Quyết định 24, EVN được quyền tự quyết điều chỉnh giá điện tăng từ 3% - 5%. Vậy đâu là cơ sở của việc này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quy định về thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện nêu trên là phù hợp với quy định tại Luật Giá và Luật Điện lực, cụ thể: điểm b khoản 3 Điều 19 Luật Giá và khoản 2 Điều 31 Luật Điện lực đã quy định cơ chế quản lý giá điện theo hướng Thủ tướng Chính phủ không quy định giá bán lẻ điện cho từng đối tượng khách hàng mà chỉ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng đối tượng khách hàng sử dụng điện.
Để phù hợp với quy định tại các Luật trên, Quyết định 24 quy định EVN được phép điều chỉnh 3% đến dưới 5% khi có biến động của các thông số đầu vào cơ bản để đảm bảo phản ánh kịp thời các biến động vào giá điện. Đối với việc điều chỉnh từ 5% trở lên, do có tác động lớn đến kinh tế xã hội nên cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Ông có thể giải thích tại sao mức tối thiểu điều chỉnh giá bán lẻ điện thay đổi từ 7% như quy định tại Quyết định số sang mức 3% như quy định tại Quyết định mới?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều chỉnh nêu trên là để phù hợp với thực tế hiện nay, với việc giá nhiên liệu trên thế giới, đặc biệt là giá dầu biến động lớn và tỷ giá ngoại tệ giữa đồng USD và đồng Việt Nam có xu hướng tăng cao thì việc chỉ điều chỉnh giá bán điện bình quân khi giá điện tăng từ 7% trở lên sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm.
Giá điện không phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh gây lỗ cho các đơn vị điện lực và không thu hút đầu tư, từ đó không đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện hiện nay (từ 12-14%).
Ngoài ra, theo Báo cáo kết quả kiểm tra giá thành năm 2015 của Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN là 234,73 nghìn tỷ đồng.
Việc thực hiện điều chỉnh tăng giá điện 7% đồng nghĩa với việc tăng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện ít nhất khoảng 16 nghìn tỷ đồng sẽ khó đạt được sự đồng thuận của người dân trong việc tăng giá điện, gây khó khăn trong việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường.
Vì vậy, cần giảm ngưỡng điều chỉnh giá và cho phép EVN quyết định điều chỉnh giá điện trong phạm vi nhất định từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định để kịp thời phản ánh kịp thời sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản.
Còn nếu giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Vậy nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện thì việc xử lý sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.
Trường hợp vi phạm quy định về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 7 Quyết định số 24 được xử lý theo quy định pháp luật quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27-5-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP hoặc các văn bản quy phạm pháp luật thay thế (nếu có).
- Xin cảm ơn ông!
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065