Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 175.194 ha cây điều. Năm 2017, do thời tiết thay đổi bất thường nên Bình Phước có khoảng 35.400 ha điều bị sâu, bệnh phá hoại, năng suất giảm gần 38% so với năm 2016. Từ tình hình thực tế, tỉnh đã kêu gọi các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các ngân hàng thương mại chung tay giải cứu vườn điều. Đồng thời tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra thực tế và hỗ trợ nông dân chăm sóc lại vườn điều. Sau nhiều giải pháp giải cứu, các vườn điều ở Bình Phước đang phục hồi. Năng suất điều niên vụ 2017-2018 đạt trên 1,12 tấn/ha và sản lượng đạt 148.800 tấn, chiếm 59,6% sản lượng điều cả nước. Từ cây điều đã giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động trong 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến và làm giàu cho gần 72.000 hộ dân chuyên canh loại cây này. Nhân điều còn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh với kim ngạch trên 500 triệu USD/năm. Thế nhưng đầu tháng 9 vừa qua, một số tờ báo đưa tin, trên 22.000 ha điều Bình Phước đang bị sâu đục thân, cành tàn phá đã gây hoang mang cho người trồng điều ở tỉnh ta. Sở NN&PTNT đã phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức kiểm tra, xác minh. Theo đó, ngành chức năng chỉ ghi nhận 800 ha điều bị bệnh nhưng không nghiêm trọng như các báo, đài đã đăng, phát.
Ngày 23-10 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội nghị “Giải pháp quản lý sâu đục thân, cành hại điều”. Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, thông tin bọ xén tóc là nguyên nhân khiến hơn 22.000 ha điều ở Bình Phước bị thiệt hại là thất thiệt, gây hoang mang cho người dân. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, xén tóc là loại bọ cánh cứng gây hại có tính thường xuyên và đã xuất hiện từ lâu trên nhiều loại cây trồng khác. Trong khi đó, sâu đục thân, đục cành chủ yếu gây hại trên các vườn điều già cỗi, mật độ dày, tán rậm và ít được chăm sóc. Loại sâu này đẻ trứng vào các vết nứt trên vỏ cây rồi ăn vào phần vỏ, đục vào bên trong thân cây làm cho mạch dẫn nhựa bị cắt đứt và cây bị thiếu chất nên dần chết khô.
Thực tế, sâu đục thân, đục cành không đáng ngại bởi loại côn trùng gây hại này có vòng đời dài, dễ bị phát hiện, không bùng phát thành dịch và hiện đã có thuốc bảo vệ thực vật phòng trị. Nếu người trồng điều thường xuyên thăm vườn, dọn vườn thông thoáng thì sẽ phát hiện các triệu chứng của sâu đục thân để xử lý kịp thời. Điều lo ngại nhất hiện nay là sự xuất hiện của các loại sâu gây hại có vòng đời ngắn, rất dễ tạo thành dịch bệnh, như các bệnh cháy lá, khô cành, bọ xít muỗi và bệnh thán thư mà người trồng điều ở Bình Phước đã gặp phải trong năm qua. Vì vậy, người trồng điều ở Bình Phước và cả nước nói chung không nên hoang mang trước thông tin sâu đục thân hay xén tóc phá hoại. Điều quan trọng là cần tích cực phòng, chống bọ xít, bệnh thán thư hay khô cành cháy lá.
Hy vọng với kinh nghiệm cũng như kết quả đạt được trong việc giải cứu vườn điều thời gian qua, nông dân Bình Phước sẽ vững tâm hơn khi bước vào niên vụ mới với mùa vụ bội thu.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065