Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở trung ương, địa phương và nhân dân. Theo đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có 10 chương, 122 điều, ít hơn 1 chương, 19 điều so Luật BHXH hiện hành (bỏ chương về bảo hiểm tự nguyện đã được quy định trong Luật Việc làm). Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong dự thảo luật này là đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu. Mục đích của việc này là để không “vỡ” quỹ BHXH.
Theo các phương án trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ; từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, thời gian làm việc của nam giới sẽ tăng thêm 2 năm và của nữ giới sẽ tăng thêm 5-7 năm so quy định hiện hành.
Với quy định trên, có nhiều người đã đặt câu hỏi: Không biết khi tính kéo dài tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động, ban soạn thảo có căn cứ vào sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người Việt Nam trong từng ngành nghề không, hay chỉ nhằm mục đích duy nhất là cứu quỹ BHXH không bị vỡ? Bởi nếu quy định trên được áp dụng trong cuộc sống thì sẽ phát sinh rất nhiều bất cập:
Thứ nhất, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội là chỉ sửa đổi, chứ không thay đổi chính sách đối với người lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là thay đổi chính sách chứ không phải sửa đổi và điều này đi ngược với quan điểm chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động.
Thứ hai là Điều 187 của Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung vừa áp dụng được mấy tháng đã quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Nếu Luật BHXH quy định kéo dài thêm, vậy thì Luật Lao động sửa đổi vừa mới có hiệu lực thi hành lại phải tiếp tục sửa đổi. Như vậy sẽ tạo ra tâm lý nghi ngại về sự ổn định của hệ thống pháp luật, nhất là những quy định có liên hệ sát sườn đến quyền lợi của đa số người lao động.
Thứ ba là việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến tình trạng có hàng vạn lao động mới có trình độ ra trường hằng năm từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước sẽ không biết tìm việc ở đâu, vì lý do là những người cũ vẫn chưa nghỉ. Hơn nữa, quy định này còn gây bất lợi cho hàng trăm ngàn người lao động trong ngành khai khoáng (khai thác than, bôxít...) và đặc biệt là ngành cao su. Vì do công việc đặc thù nên từ nhiều năm qua, ngành cao su đã kiến nghị tuổi nghỉ hưu với nữ là 45 và nam giới là 50 (khi đã có đủ 20 năm làm việc). Nay nếu kéo dài ra thì không biết người lao động trong ngành này sẽ “không kịp nghỉ hưu”, mà phải xin nghỉ việc trước tuổi và hưởng trợ cấp một lần.
Chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là “liều doping” để kéo dài sự tồn tại của quỹ BHXH chứ không thể giúp quỹ này duy trì bền vững. Bởi xét cho cùng quỹ BHXH sẽ chỉ có thể ổn định khi cơ quan chức năng có giải pháp tăng được số lượng người đóng BHXH bắt buộc và đối phó hiệu quả với hành vi trốn đóng BHXH, chứ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu như trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi không phải là giải pháp hữu hiệu và căn cơ.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065