Từ nay đến sau năm 2015, cả nước vẫn áp dụng kỳ thi 3 chung |
Phương án đổi mới thi cử: Mới là dự thảo
Vừa qua, Bộ GDĐT công bố Dự thảo Đề án đổi mới giáo dục, đào tạo căn bản toàn diện, trong đó có đề xuất 2 phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Mục đích của việc đổi mới thi cử là tránh được việc tổ chức thi cồng kềnh, nặng nề, tốn kém, gây áp lực, quá tải cho người học.
Theo hướng đề xuất của Ban soạn thảo, có thể vẫn có 2 kỳ thi, nhưng sẽ dồn trọng tâm vào 1 kỳ thi quốc gia.
Cụ thể, theo phương án 1: Tổ chức kỳ thi cuối cấp THPT để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và là căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy trọng tâm sẽ dồn vào kỳ thi cuối cấp THPT.
Còn theo phương án 2, trọng tâm sẽ dồn vào kỳ thi tuyển sinh, việc công nhận tốt nghiệp sẽ áp dụng phương thức “xét kết quả học tập”, điều này có nghĩa là sẽ bỏ kỳ thi quốc gia để công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhưng cần lưu ý, để được thi tốt nghiệp THPT (phương án 1) hoặc xét công nhận tốt nghiệp (phương án 2), học sinh đều phải đạt được các yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT theo các quy định cụ thể của chương trình giáo dục phù hợp với cách thức thi-công nhận tốt nghiệp được áp dụng.
Như vậy, thi hay xét công nhận tốt nghiệp chỉ là khâu cuối cùng (chứ không phải tất cả) của việc công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, 2 phương án trên mới là đề xuất của Ban soạn thảo. Các phương án này còn phải trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi trước khi có quyết định cuối cùng.
Bỏ ngay các kỳ thi: Việc không đơn giản
Dù mức độ và mục tiêu khác nhau, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH có sự tương đồng, trong khi đó thời gian tổ chức thi lại quá gần khiến dư luận bức xúc.
Tuy nhiên, chính vì 2 kỳ thi trên có sự liên quan đến nhau nên việc đổi mới thi cử không chỉ là việc xem xét việc bỏ thi tốt nghiệp phổ thông hay không mà cần xem xét tới cả công tác đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ, điều chỉnh công tác phân luồng, nội dung chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học tập.
Phương án sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, CĐ từng được đặt ra nhưng không thực hiện được, chủ yếu do phía các trường ĐH, CĐ cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khó có thể lấy làm căn cứ tin cậy cho việc tuyển sinh.
Do đó, nếu chúng ta không cải thiện chất lượng dạy và học, cũng như đổi mới phương thức đánh giá, kiểm tra thi cử sao cho thực chất hơn, thì việc áp dụng phương thức bỏ các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chưa thể thực hiện được.
Để có thể áp dụng ngay những thay đổi trong công tác đánh giá, thi cử, kiểm tra… vẫn cần cả một quá trình thay đổi dần dần từ cách dạy, học, chương trình học và sách giáo khoa.
Chẳng hạn, nếu Bộ GDĐT cho phép áp dụng cách học theo tín chỉ thì kết thúc môn học nào sẽ tổ chức thi đánh giá luôn môn học đó. Kết quả cuối cùng sẽ là tổng hợp của tất cả các môn học sinh đã hoàn thành, chứ không phải chỉ thông qua 1 kỳ thi với 6 môn đại diện như hiện nay.
Như vậy, chừng nào chưa có phương án đánh giá kết quả học tập 12 năm học phổ thông hiệu quả, tối ưu để có thể cho ra một kết quả học tập toàn diện, thực chất và đáng tin cậy thì phương án tuyển sinh mới chưa thể áp dụng.
Bộ GDĐT đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế để trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10 tới.
Rất nhiều vấn đề, quan điểm trong Đề án vẫn đang gây tranh cãi và chưa có ý kiến, phương án cuối cùng, trong đó có vấn đề về phương án thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hiện tại đã có 5-6 trường ĐH trình Bộ GDĐT phương án tuyển sinh riêng, trong đó đã có trường xây dựng phương án tuyển sinh bằng cách xét tuyển đầu vào thông qua kết quả thi tốt nghiệp
Song, hiện vẫn chưa có phương án nào được duyệt, do vậy, chuyện thay đổi cách thi cử ít nhất vẫn không có gì thay đổi cho tới sau năm 2015.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Phương án tuyển sinh do các trường đề xuất, có trường thì đưa ra lấy ý kiến dư luận, còn Bộ vẫn giữ phương án “ba chung” đến năm 2015. Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, nước này cũng muốn thay đổi phương án tuyển sinh nhưng họ cũng phải tính 5 năm sau. Vì nếu thay đổi đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065