BPO - Bộ Tư pháp vừa công bố Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân trong cả nước. Theo kế hoạch, Dự thảo Bộ luật này sẽ được Chính phủ trình tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XII sắp tới. Nhân dịp này, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới trong các chế định về trái quyền được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo so với quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, như sau:
Thứ nhất, các quy định chung về trái quyền, trên cơ sở quy định tại các điều 14, 15 và 16 của Hiến pháp, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định trong chế định về trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ nói riêng nhằm bảo đảm sự an toàn, thông thoáng của giao lưu dân sự, cũng như bảo đảm lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự. Cụ thể, dự thảo có quy định bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế thiệt hại có thể gây ra cho mình. Trong trường hợp người bị thiệt hại chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại cho mình thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tương ứng với mức thiệt hại mà lẽ ra người bị thiệt hại có thể hạn chế được. Trong trường hợp việc không thực hiện đúng nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người bị thiệt hại. Trong trường hợp bên vi phạm chứng minh được việc không thực hiện đúng nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.
Thứ hai, về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, dự thảo đã bổ sung những biện pháp sau: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; cầm giữ tài sản; bảo lưu quyền sở hữu; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lãnh. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.
Thứ ba, về quy định chung về hợp đồng, dự thảo không quy định quá chi tiết mà chỉ đưa ra một số quy định chung nhất về hợp đồng, định hướng cho việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong các luật chuyên ngành và đủ để áp dụng trong trường hợp các luật chuyên ngành thiếu quy định về hợp đồng. Ngoài ra, một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, với thực tiễn nước ta đã được bổ sung, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, phụ lục hợp đồng, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng,... Về điều kiện giao dịch chung, dự thảo Bộ luật thừa nhận về điều kiện giao dịch chung theo hướng, đó là những quy định do bên đề nghị giao kết hợp đồng công bố áp dụng chung cho các bên tham gia hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận toàn bộ quy định đã được bên đề nghị đưa ra. Nếu trong điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi của bên kia thì quy định này không có hiệu lực. Dự thảo Bộ luật cũng cho phép trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng theo những điều kiện được quy định; một bên chỉ có thể hủy bỏ hợp đồng nếu bên kia vi phạm nghiêm trọng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác.
Thứ tư, về hợp đồng thông dụng, dự thảo chỉ quy định về những hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện cho quan hệ pháp luật dân sự. So với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm. Những hợp đồng này đã được quy định trong luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, dự thảo Bộ luật cũng bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản... dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và bao quát những dạng thức hợp đồng phái sinh.
Cụ thể là về mua bán tài sản, dự thảo quy định, tài sản được quy định tại luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trong trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản bán phải phù hợp với các quy định đó. Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán. Khi các bên không có thỏa thuận, thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề. Về vay tài sản, dự thảo quy định theo hướng, lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định, nếu không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật có quy định khác. Về hợp đồng hợp tác, dự thảo quy định, hợp đồng hợp tác là hợp đồng, theo đó nhiều cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực.
Thứ năm là về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dự thảo quy định người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại để thay thế cho quy định hiện hành đang tạo gánh nặng chứng minh của người bị thiệt hại. Theo đó, người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Dự thảo cũng bổ sung quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại về những thiệt hại do tài sản của mình gây ra.
Luật gia: HK
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065