Tiềm năng lớn nhưng hiệu quả chưa cao
Bình Phước hiện có 173.947 ha điều, chiếm 44,9% diện tích điều cả nước, cung ứng hơn 96.000 tấn hạt điều mỗi năm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 767 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp. Về an sinh xã hội, ngành điều đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 ngàn lao động tại 1.416 cơ sở chế biến và doanh nghiệp (DN).
Các cơ sở chế biến tập trung chủ yếu trên địa bàn Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng và Phú Riềng. Mỗi năm, sản lượng điều Bình Phước sản xuất chỉ đáp ứng 30% công suất các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh; phần còn lại chiếm khoảng 70% là nhập khẩu từ Campuchia và các nước châu Phi theo kiểu tạm nhập tái xuất. Toàn tỉnh đã có 31 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp qua các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, EU, Canada, Hồng Kông, Trung Quốc...
Ông Trần Trọng Khôi, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ (thứ hai từ phải qua) giới thiệu với du khách nước ngoài về các sản phẩm hạt điều chế biến sâu của Công ty cổ phần Hà Mỵ được làm từ nguyên liệu hạt điều Bình Phước
Tuy nhiên hiện nay, ngành điều Bình Phước chủ yếu chế biến, sản xuất nhân điều phục vụ xuất khẩu, tỷ lệ chế biến sâu thấp, chưa tận dụng được các chế phẩm, vì vậy giá trị gia tăng ngành điều chưa cao. Bên cạnh đó, trong những năm qua giá nhân điều xuất khẩu bấp bênh, không ít DN điều trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, phá sản. Do vậy, nghiên cứu, chế biến sâu ngành điều để tăng giá trị là việc làm cần thiết. Thay vì chỉ chú trọng chế biến thô xuất khẩu, 2 năm trở lại đây, từ sau khi được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhiều DN, cơ sở chế biến đã chuyển hướng, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng.
Chế biến sâu - nâng giá trị hạt điều
Thành lập năm 2005, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, nhiều năm nay, Công ty cổ phần Hà Mỵ, ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú luôn đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm làm từ hạt điều tại Bình Phước.
Bằng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại từ nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền chế biến, phân loại sản phẩm, thanh trùng, đóng gói... theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng ISO và an toàn thực phẩm HACCP, mỗi năm Công ty cổ phần Hà Mỵ sản xuất, chế biến, xuất khẩu trên 3.200 tấn điều thành phẩm, trong đó có cả điều nguyên liệu và điều chế biến sâu. Hiện công ty có 36 loại mặt hàng, xuất khẩu sang 86 nước trên thế giới. Trong đó, một số mặt hàng chế biến sâu như: hạt điều rang muối vỏ lụa, hạt điều rang vị ca cao, vị vani, vị quế Việt, vị gừng Nhật Bản... cũng đã được xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ cho biết, từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Phước, công ty đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước trên bao bì, nhãn mác sản phẩm để đưa ra thị trường. Lô hàng đầu tiên được công ty đưa qua Thụy Điển chào hàng, kết quả thành công ngoài mong đợi.
Với tư duy xây dựng thương hiệu điều chính là niềm tự hào của quê hương, tháng 5-2018, Công ty TNHH Vinahe, phường Phước Bình, thị xã Phước Long đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng mua sắm máy móc, trang thiết bị, chế biến ra 6 dòng sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Vinahe gồm hạt điều phô mai, hạt điều yum Thái, hạt điều tỏi ớt, hạt điều chanh muối, hạt điều rang muối và bánh Cashewpie. Hiện công ty đã được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe cho biết, sau khi nhập hạt điều đã sơ chế và qua kiểm định an toàn thực phẩm, công ty tiến hành tẩm gia vị, rang chín rồi đóng hộp. Trung bình mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 2 tạ điều thành phẩm, đóng hộp và bán ra thị trường. Ngoài các cửa hàng chính, kênh trực tuyến, siêu thị, sản phẩm của Vinahe đang được phân phối tại các quán ăn lớn trên địa bàn tỉnh, vừa giúp khách du lịch dễ tìm đặc sản của Bình Phước vừa mở rộng cơ hội kinh doanh cho Vinahe.
Điều nguyên liệu, điều nhân trắng và điều rang muối là những sản phẩm đã được Nhà nước bảo hộ mang lại nhiều cơ hội cho người trồng điều và DN. Đó là cho phép DN và người sử dụng tiếp cận phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, thương mại cho nông sản; giúp nâng cao quyền lợi, trách nhiệm của DN, người dân, tổ chức lại sản xuất, duy trì uy tín, danh tiếng của sản phẩm điều trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi được bảo hộ thông qua chỉ dẫn địa lý, ngành điều Bình Phước cũng đối mặt với nhiều thách thức nên DN và người dân cần phải nỗ lực nhiều hơn. Trong đó đòi hỏi các DN phải tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm; cơ cấu lại sản xuất và tập trung phát triển chuỗi giá trị. Và tỉnh cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành điều. Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết: Việc được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm là ưu thế riêng có của DN chế biến điều ở Bình Phước, cần được quan tâm phát huy. Trước hết các DN, cơ sở chế biến và người dân trồng điều phải tự hào, trân trọng về điều đó; đồng thời cần tăng cường truyền thông để nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065