Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thì kinh tế tập thể giữ vai trò quan trọng. Nó hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây nhiều nguồn lực được huy động để phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hoạt động không hiệu quả hoặc khó thành lập mới đang khiến nhiều xã lúng túng, vì sợ sẽ không đạt tiêu chí mà chương trình NTM đã đề ra.
đến thời điểm này, cả tỉnh chỉ có 12/92 xã toàn tỉnh và 5/21 xã điểm xây dựng NTM đạt tiêu chí hình thức sản xuất. Trong 21 xã điểm có tới 43/47 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản và chỉ có 5 HTX hoạt động hiệu quả.
DỰNG LÊN HTX CHO CÓ LỆ!
Tiêu chí 13 đề cập tới hình thức sản xuất là căn cứ vào việc xã có HTX hoặc THT để đánh giá. Đây là cơ sở để đánh giá khâu giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng ở các xã. Nhưng nhiều xã lúng túng vì không dễ tạo ra một HTX hoặc THT như kỳ vọng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Sản xuất nông nghiệp đang là thế mạnh của các HTX ở Bình Phước
Ông Trần Đức Kiệm, cán bộ dân tộc - tôn giáo xã An Khương (Hớn Quản) cho biết: “Để đạt tiêu chí số 13, lãnh đạo xã đã nhiều lần họp bàn lập HTX nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Quan trọng nhất là không tìm được một chủ nhiệm HTX đủ uy tín gắn kết hội viên, đủ năng lực để duy trì HTX hoạt động, biết lo cho sự đi lên của HTX, tạo đầu ra cho hàng hóa và kết hợp hài hòa lợi ích giữa HTX với xã viên”.
Xã Bom Bo (Bù Đăng) có 44% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Đức Đặng, Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Hiện xã chỉ có HTX Thành Phát hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp nhưng chưa hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay, vực dậy một HTX còn yếu là không đơn giản đối với cấp xã”.
Trong khi đó, quy định về tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong thực hiện xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010-2020 nêu rõ: Để đạt được tiêu chí này xã phải có ít nhất một THT hoặc HTX có đăng ký, hoạt động hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh, dịch vụ theo luật, có hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp. Từ yêu cầu này, nhiều xã chưa có HTX, THT đang phải ráo riết lên kế hoạch vận động nhân dân tham gia thành lập THT hoặc HTX dù không chắc chắn về hiệu quả hoạt động.
CHƯA PHẢI LÀ CHỖ DỰA CHO NTM
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Đình Tuyến đã đánh giá: Kinh tế tập thể của tỉnh phát triển chậm. Tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong tổng giá trị sản phẩm (GDP) của tỉnh rất nhỏ, chỉ chiếm 0,16%. Thu nhập bình quân xã viên dưới mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.
Huyện Bù Đăng có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Các HTX, THT chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng sản xuất - kinh doanh. 3 HTX của đồng bào dân tộc thiểu số thì 1 đã giải thể, 2 hoạt động yếu do thiếu vốn, đất sản xuất và bộ máy quản lý hạn chế. Huyện Đồng Phú mới chỉ có 4 HTX, trong đó 2 HTX hoạt động không hiệu quả.
|
Sau 10 năm, số HTX trên địa bàn tỉnh tăng gấp 3 lần nhưng số HTX làm ăn có lãi chỉ chiếm 25%. Cuối năm 2013, toàn tỉnh có 101 HTX với 5.483 thành viên. Tổng số vốn điều lệ hơn 141,36 tỷ đồng, tổng doanh thu 715 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 1 HTX ước đạt hơn 23 triệu đồng/năm. Nhưng đến thời điểm này đã có 41 HTX tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, Liên minh HTX đã đề ra mục tiêu phấn đấu cuối năm 2014 trên địa bàn tỉnh có 110 HTX, 1.305 THT và 1 liên hiệp HTX. Doanh thu bình quân 1 HTX duy trì đạt hơn 7 tỷ đồng/năm.
Hiện Bình Phước có đến 81% HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong 21 xã đang thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, có đến 43/45 HTX nông - lâm - thủy sản. HTX nông nghiệp ở Bình Phước hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên chưa hoạch định được phương án sản xuất - kinh doanh hợp lý; vốn chủ yếu do xã viên dùng tài sản cá nhân thế chấp nên vốn vay không lớn. Vì nhìn thấy quy mô hoạt động nhỏ, mang tính tự phát, tổ chức không chặt chẽ, quản lý tài chính yếu, chưa tạo ra được các sản phẩm đặc trưng nên người dân nông thôn chưa mặn mà với HTX hoặc THT.
Ông Lê Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Trung (Bù Gia Mập) cho biết: “Trên địa bàn xã có 1 HTX nông nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả. Theo tôi không nhất thiết phải có THT hoặc HTX mới hoàn thành tiêu chí 13. Người dân tự phát triển kinh tế theo những cách khác nhau mà hiệu quả thì nên khuyến khích. Đặc thù của các tỉnh miền Đông Nam bộ khác với miền Bắc nên việc áp dụng tiêu chí chung cho cả nước, nhất là buộc phải có THT hoặc HTX là không phù hợp”.
Mặc dù mục tiêu đạt tiêu chí 13 để hỗ trợ cho tiêu chí 10 là nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng ở xã Phú Trung hay Bom Bo đều tồn tại nghịch lý: Xã đã đạt tiêu chí 10 nhưng chưa đạt tiêu chí 13. Như vậy, việc bắt buộc phải có hình thức sản xuất là THT hoặc HTX để đạt tiêu chí 13 liệu có cần thiết? Trong khi THT hay HTX không phải là cách làm kinh tế thế mạnh ở Bình Phước.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065