Lợi nhuận cao từ 2,5 sào đất
Từng có kinh nghiệm 4 năm thuê đất trồng rau an toàn ở TP. Hồ Chí Minh, tháng 3-2014, anh Nội về Bình Phước mượn 2,5 sào đất trống của người thân ở khu phố 8, thị trấn Chơn Thành làm kinh tế. Anh cho hay: Đất ở Chơn Thành thích hợp trồng cây lâu năm nhưng diện tích ít, trong khi bản thân đã tích lũy được kiến thức trồng rau nên tôi quyết định “làm bạn” với loại cây này. Tôi cùng anh trai là Phạm Văn Điều làm nhà lưới, máy bơm nước, công cụ hỗ trợ... khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, dựng nhà lưới là khâu quan trọng nhất vì phải chọn mắt lưới vừa, dựng lưới vuông, phẳng, cột chắc, tránh nghiêng ngả, đổ sập khi có gió lớn.
“Hiện nhà vườn sử dụng hệ thống tưới nước tự động vì có nhiều lợi ích trong sản xuất, nhưng phải có diện tích lớn, phân thành từng khu riêng biệt. Do đất ít lại trồng nhiều loại rau theo kiểu gối đầu nên việc dùng hệ thống tưới nước tự động không hiệu quả. Chẳng hạn, cùng khoảnh đất nhỏ, nếu rau diếp hoặc xà lách vừa được ươm, đánh ra trồng cùng nhóm với các loại rau gần đến độ thu hoạch, khi tưới chung luống rau nhỏ, thân mềm sẽ bị giập nát. Để bảo đảm nguồn rau phát triển tốt, tôi dùng máy bơm nối với các đường ống đặt ở nhiều điểm, sau đó, dùng vòi hoa sen tưới thủ công” - anh Nội chia sẻ.
Anh Nội trồng rất nhiều loại rau: dền, cải, xà lách, mùng tơi, rau đay... Mỗi mùa, anh đều đến các chợ tham khảo nhu cầu của người dân để có nguồn cung ứng phù hợp. “Chúng tôi chỉ phun thuốc trừ sâu lúc rau còn nhỏ, sau đó tranh thủ buổi sáng sớm và tối thì bỏ công bắt sâu. Không chỉ làm các công đoạn trồng rau, anh em tôi còn tự chở rau đi bán ngoài chợ. Sau khi trừ chi phí, 2,5 sào rau cho thu từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng” - anh Nội cho biết.
Thiếu nơi tiêu thụ
Mới đầu giờ chiều nhưng cơn mưa bất chợt ập xuống. Dự định sáng mai sẽ thu luống rau mùng tơi xanh non, nhưng anh Phạm Văn Điều phải vội vã nhổ rau, sợ mưa lớn sẽ bị giập. Thoăn thoắt đôi tay, vừa nhổ vừa buộc thành từng bó, anh Điều nói: “Làm nghề này công việc không nặng nhọc nhưng bận rộn suốt ngày. Sau mỗi đợt thu rau chỉ cho đất nghỉ khoảng 1 tuần lại tiếp tục gieo trồng đợt mới. Trong thời gian phơi đất, sẽ tiếp tục chăm sóc và thu các luống khác”. Mưa chưa dứt, anh Nội đến những luống xà lách mới cấy để che thêm tấm lưới thấp. Làm ra sản phẩm rau an toàn đã khó nhưng tiêu thụ còn khó hơn. Đã cất công đi dò hỏi nhiều nơi, anh Nội vẫn chưa tìm được mối lớn nên đành chở đến bán cho quán ăn và chợ thị trấn Chơn Thành. Có thời điểm bán tại vườn giá chỉ 2.000 đồng/kg rau nên thua lỗ, công sức bỏ ra bằng không.
Anh Nội tính toán: Chỉ cần ký được hợp đồng lâu dài với giá trung bình 6.000 đồng/kg rau thì sau trừ chi phí vẫn còn lãi khoảng 2.000 đồng/kg, có thể sống được với nghề. Hiện chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng các loại rau, đồng thời tìm kiếm nguồn tiêu thụ từ các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp để ký hợp đồng lâu dài. Bởi bán lẻ ngoài chợ, chuyện thua lỗ là khó tránh. Đây cũng là nguyên nhân chính cản trở nông dân bám đất làm giàu.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065